Việc hạn chế người lao động, người quản lý trong doanh nghiệp không được chuyển nhượng cổ phần (được mua với giá ưu đãi) có phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp hay không?
Trong thực tiễn kinh doanh, công ty Việt Nam đã phải đối mặt với một vấn đề liên quan đến việc bán cổ phần cho nhân viên trong công ty. Vấn đề này liên quan tới quy định của điều 126 trong Luật Doanh nghiệp 2014, theo đó “cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại điều 119.3 của luật này và điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng”.
Trong kinh doanh việc doanh nghiệp thưởng cho nhân viên, người lao động cổ phần như phương thức để gắn kết họ với doanh nghiệp là khá phổ biến. Các công ty cổ phần cũng có thể bán cổ phần của công ty với giá ưu đãi (thấp hơn) so với giá thị trường cho nhân viên của mình. Vì mục đích của việc thưởng/bán cổ phần nhằm bảo đảm sự gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp sẽ quy định trong điều lệ: “Những loại cổ phần này không được chuyển nhượng”. Mở rộng thêm nữa, vấn đề pháp lý này còn có những “biến tấu” như cổ phần thưởng cho quản lý của doanh nghiệp cũng bị hạn chế chuyển nhượng. Vấn đề pháp lý đặt ra là: việc giới hạn người lao động, người quản lý trong doanh nghiệp không được chuyển nhượng cổ phần (được mua với giá ưu đãi) có phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp hay không?
Thuộc tính căn bản và quan trọng nhất của cổ phần là tự do chuyển nhượng. Khác với các loại “vốn góp” trong các loại hình doanh nghiệp khác như hợp danh và trách nhiệm hữu hạn, việc chuyển nhượng cổ phần không có bất kỳ giới hạn nào(***). Trong bối cảnh việc thu hút vốn đầu tư ngày càng khó khăn, theo thời gian, nhằm thu hút các nhà đầu tư mua cổ phần của công ty, các doanh nghiệp đã “xé rào” bằng cách nhào nặn các đặc tính của cổ phần phổ thông.
Trong bối cảnh việc thu hút vốn đầu tư ngày càng khó khăn, theo thời gian, nhằm thu hút các nhà đầu tư mua cổ phần của công ty, các doanh nghiệp đã “xé rào” bằng cách nhào nặn các đặc tính của cổ phần phổ thông.
Có thể hình dung câu chuyện này như một người thợ làm bánh. Nguyên liệu làm bánh chỉ vỏn vẹn có 100 gam. Thường thì ông chủ cửa hàng hay làm cái bánh nếp theo khuôn hình chữ nhật. Dân trong thành phố và những người thợ trong cửa hàng đều quen với hình dạng này của sản phẩm này. Một ngày đẹp trời, có một lượng khách du lịch tới cửa hàng yêu cầu ăn bánh nếp hình vuông (vì thói quen ẩm thực của họ). Nhiều người bảo bánh là hình chữ nhật trước giờ vẫn thế, sao có thể đổi hình dạng được? Nhưng ông chủ đã làm một khuôn bánh mới hình vuông với chiều dài ngắn hơn nhưng chiều rộng thì lớn hơn khuôn bánh hình chữ nhật thông thường. Kết quả cũng với lượng bột nếp 100 gam, cửa hàng của ông đã cho ra lò một cái bánh hình dạng mới và đồng thời thu về khoản doanh thu lớn hơn từ việc bán thêm được một lượng bánh cho các vị khách phương xa.
Ở đây, bánh hình vuông và hình chữ nhật tuy khác nhau về hình dạng, nhưng về bản chất chúng cũng đều chỉ được làm từ 100 gam bột nếp mà thôi. Chủ cửa hàng bánh không tốn thêm chi phí (lượng nguyên liệu vẫn thế), chỉ cần thay đổi hình dạng bánh trong quá trình nhào nặn. Đối với cửa hàng thì sự thay đổi này giúp tăng lợi nhuận.
Mối quan hệ của cổ phần phổ thông và các loại cổ phần ưu đãi cũng tương tự như chuyện làm bánh. Thuở ban đầu trong công ty cổ phần, chỉ có một loại cổ phần là cổ phần phổ thông. Mệnh giá của nó thường là 10.000 đồng. Thế nên, khi trả 10.000 đồng cho công ty, cổ đông sẽ có các quyền do pháp luật và điều lệ quy định. Nhìn chung cổ đông được bảo đảm bốn quyền cơ bản sau: quyền quản trị công ty (tham gia họp đại hội đồng cổ đông, kiểm tra sổ sách, đề cử người quản lý); quyền hưởng lợi ích (chia lợi nhuận); quyền rút vốn (bán cổ phần để thu hồi khoản đầu tư, nhận lại tài sản khi công ty chấm dứt hoạt động…); các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Bản chất của các loại cổ phần ưu đãi là tạo nên những “ưu đãi khó cưỡng” để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Ví dụ, dành cho quyền được hưởng lợi nhuận ổn định và cao hơn các cổ đông khác, đặc quyền về việc rút vốn… qua đó, gia tăng khả năng thu hút vốn cho công ty. Pháp luật cho phép công ty cổ phần được phát hành các loại cổ phần ưu đãi khác nhau bên cạnh những loại luật định (điều 113.2 (d), Luật Doanh nghiệp).
Tuy vậy, vấn đề mà công ty phải giải quyết khi thiết kế những loại cổ phần trong công ty cũng tương tự như chuyện ông thợ làm bánh. Để tránh những “lời cằn nhằn” của những người thợ đã nhiều năm cùng làm ăn với ông chủ khi làm loại bánh nếp “lạ”, ông phải đảm bảo rằng cái bánh hình vuông cũng sẽ chỉ dùng với 100 gam nguyên liệu, không được nhiều hơn. Bản chất của việc làm này là lấy chỗ này đắp cho chỗ khác, và cách ông làm là lấy cái khuôn bánh để làm thước đo rõ ràng, chính xác. Việc thiết kế cổ phần ưu đãi là các biến tấu dựa trên các thuộc tính của cổ phần phổ thông, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc cân bằng lợi ích – cụ thể là người sở hữu cổ phần ưu đãi phải mất một hoặc một số quyền cơ bản khác của cổ phần phổ thông.
Quay trở lại cổ phần bán cho người lao động được đề cập ở đầu bài, nhu cầu này là một nhu cầu chính đáng và tốt cho cả công ty cũng như người lao động. Nhưng nếu xác định loại cổ phần này vẫn là cổ phần phổ thông và hạn chế quyền chuyển nhượng của cổ đông (người lao động) thì đây lại là một việc làm trái luật. Do đó, muốn hợp thức hóa vấn đề này công ty phải thiết kế chúng dưới dạng một loại cổ phần ưu đãi và ghi nhận vào trong điều lệ công ty (Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp thiết kế các loại cổ phần ưu đãi và ghi nhận vào điều lệ công ty).
Lưu ý là cần phải quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của người sở hữu loại cổ phần này tại điều lệ công ty trước khi phát hành chúng và thực hiện các thủ tục đăng ký, thông báo phù hợp với quy định của pháp luật doanh nghiệp. Chỉ có như thế, mới bảo đảm tính hợp pháp của việc giới hạn chuyển nhượng và tránh những rủi ro pháp lý không cần thiết trong quá trình triển khai trên thực tế.
Trần Việt Dũng – Phạm Hoài Huấn