1. NGHỊ ĐỊNH 39/2019/NĐ-CP
“Quy định về tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa”
Nghị định số 39/2019/NĐ-CP (“Nghị định 39”) ngày 10/5/2019 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (“DNNVV”), có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.
Theo đó, quỹ phát triển DNNVV (“Quỹ”) sẽ thực hiện một số hoạt động như cho vay, tài trợ vốn và hỗ trợ tăng cường năng lực nhằm mục đích đã đề ra của Nghị định 39.
Hoạt động cho vay của Quỹ được thực hiện dưới hai hình thức: (i) Cho vay trực tiếp (đối với khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị có nhu cầu vay vốn); và (ii) Cho vay gián tiếp (đối với DNNVV thông qua giao vốn cho ngân hàng thương mại). Lãi suất cho vay trực tiếp của Quỹ bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại.
Về mức cho vay, Nghị định 39 quy định mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của Quỹ đối với một DNNVV không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ, thời hạn cho vay tối đa không quá 07 năm.
DNNVV cần đáp ứng một số điều kiện về quy mô, phương án sản xuất kinh doanh, nguồn vốn chủ sở hữu, đảm bảo tiền vay v.v, để được vay vốn.
Thêm vào đó, các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khi đáp ứng các điều kiện sẽ được Quỹ tài trợ vốn. Mức tài trợ vốn không quá 01 tỷ đồng cho một dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng không quá 50% vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị.
Cuối cùng, Quỹ sẽ tổ chức hội thảo, đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu nhằm hỗ trợ các DNNVV tăng cường năng lực của mình.
2. NGHỊ ĐỊNH 54/2019/NĐ-CP
“Quy định mới về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường“
Nghị định số 54/2019/NĐ-CP (“Nghị định 54”) ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, có hiệu lực từ ngày 01/09/2019.
Đối với điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường, Nghị định 54 đã mở rộng chủ thể được phép kinh doanh là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật thay vì các cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa có tư cách pháp nhân như quy định trước đây.
Bên cạnh đó, Nghị định 54 cũng thu hẹp khung giờ không được hoạt động của dịch vụ vũ trường từ 0 giờ đến 8 giờ xuống 2 giờ sáng đến 8 giờ sáng karaoke. Đồng thời, Nghị định 54 cũng bãi bỏ quy định về trường hợp ngoại lệ khi kinh doanh dịch vụ karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng cao cấp là được hoạt động thêm không quá 2 tiếng sau 0 giờ. Đặc biệt, Nghị định 54 bổ sung quy định về việc không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi.
Ngoài ra, Nghị định 54 thay đổi về hồ sơ xin cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Cụ thể, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh ngoài đơn đăng ký theo mẫu sẽ phải cung cấp thêm Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
3. NGHỊ ĐỊNH 55/2019/NĐ-CP
“Ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ”
Nghị định 55/2019/NĐ-CP (“Nghị định 55”) ngày 24/06/2019 của Chính phủ thay thế Nghị định 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), có hiệu lực từ ngày 16/08/2019.
Nghị định quy định rõ, căn cứ nguồn lực, chương trình hỗ trợ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho DNNVV quyết định hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên. Đó là DNNVV do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ trước; DNNVV sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; DNNVV nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước được hỗ trợ trước v.v.
Hỗ trợ pháp lý cho DNNVV là việc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện các hoạt động (i) xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; (ii) xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Việc hỗ trợ pháp lý cho DNNVV được ưu tiên thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Mạng lưới tư vấn viên pháp luật là một bộ phận của mạng lưới tư vấn viên theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn viên pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật đủ điều kiện hành nghề tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật, tự nguyện thông báo tham gia và được bộ, cơ quan ngang bộ công bố công khai để hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.
4. THÔNG TƯ 06/2019/TT-NHNN
“Quy định mới về tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam”
Thông tư số 06/2019/TT-NHNN (“Thông tư 06”) ngày 26/6/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay thế Thông tư số 19/2014/TT-NHNN (“Thông tư 19”) ngày 18/11/2014 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 06/09/2019.
Một số những thay đổi đáng lưu ý được quy định tại Thông tư 06 mà các nhà đầu tư nước ngoài cần biết như sau:
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) theo Thông tư 19 được hiểu là doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn để thành lập, quản lý doanh nghiệp và thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Nhưng theo Thông tư 06, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải mở DICA, bao gồm: (i) doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư là thành lập tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông hoặc thành viên và có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC); (ii) doanh nghiệp được thành lập không theo (i) nhưng có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên; (iii) doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC hoặc trực tiếp thực hiện dự án PPP mà không thành lập doanh nghiệp dự án bắt buộc phải mở DICA.
- Các khoản vay trong nước của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp không cần phải được thực hiện thông qua DICA, trong khi các khoản vay nước ngoài không nhất thiết phải được thực hiện thông qua DICA trong mọi trường hợp. Đây là thay đổi đáng kể vì theo Thông tư 19, tất cả các khoản vay được thực hiện thông qua DICA.
- Thông tư 06 yêu cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không còn thỏa mãn điều kiện trình bày ở mục 1 trên (ví dụ: nhà đầu tư nước ngoài sở hữu dưới 51% vốn điều lệ) thì phải đóng DICA đã mở, đồng thời nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp (IICA) để hoạt động trừ trường hợp doanh nghiệp đó được thành lập và hoạt động theo IRC. Ngoài ra, khi doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 51% vốn điều lệ trở lên mà đã có IICA thì doanh nghiệp đó phải mở DICA để hoạt động.
Ta có thể hiểu rằng, doanh nghiệp khi đã đóng DICA khi không đủ điều kiện về doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong tương lại doanh nghiệp sẽ phải mở lại DICA khi nó đủ điều kiện (ví dụ: nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 51% vốn điều lệ). Vậy, quy định đóng DICA như đã trình bày ở trên liệu có cần thiết khi mà thủ tục mở, đóng DICA không hề đơn giản.
5. THÔNG TƯ 43/2019/TT-BTC
“Hướng dẫn về chi phí đầu tư trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp”
Thông tư 43/2019/TT-BTC (“Thông tư 43”) ngày 12/07/2019 của Bộ Tài chính có hiệu lực ngày 26/08/2019 hướng dẫn quy định tại khoản 4 điều 24 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Theo đó, các khoản chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại Khu công nghiệp, Khu kinh tế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong Khu công nghiệp, khu kinh tế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
- Đối với tài sản cố định: Được tính vào giá trị công trình và trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nếu đáp ứng điều kiện là tài sản cố định theo quy định.
- Đối với chi phí (trừ trường hợp nêu trên): Được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
6. THÔNG TƯ 34/2019/TT-BTC
“Bổ sung quy định về nguyên tắc cổ phần hoá của doanh nghiệp nhà nước và xử lỹ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp”
Thông tư 34/2019/TT-BTC (“Thông tư 34”) ngày 11/06/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 40/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực ngày 29/07/2019.
Theo Thông tư 34, Bộ Tài chính bổ sung quy định về nguyên tắc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ đối với doanh nghiệp cổ phần hoá là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ. Cụ thể, xác định số cổ phần bán được là số cổ phần phát hành thêm theo phương án cổ phần hóa đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Trường hợp tổng số cổ phần bán được theo các hình thức quy định tại Thông tư này (bao gồm cả số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược) lớn hơn số cổ phần phát hành thêm theo phương án bán cổ phần thì phần chênh lệch tăng được xác định là cổ phần bán phần vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, Thông tư 34 cũng bổ sung quy định, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải phê duyệt quyết toán Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2017 sau 30 ngày, kể từ ngày 29/7/2019. Công ty mẹ có trách nhiệm bổ sung số tiền chênh lệch so với số phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (nếu có) trong 05 ngày, kể từ ngày quyết toán Quỹ được phê duyệt. Nếu quá thời hạn trên mà công ty mẹ chưa nộp bổ sung số tiền thiếu thì phải nộp thêm tiền lãi chậm nộp theo quy định. Bộ Tài chính sẽ xuất Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ) để hoàn trả số tiền doanh nghiệp nộp thừa trong vòng 10 ngày làm việc, nếu số tiền phải nộp về Quỹ theo quyết toán của cơ quan đại diện chủ sở hữu thấp hơn số doanh nghiệp tự xác định và đã nộp.