I. NGHỊ ĐỊNH 47/2021/NĐ-CP
Định nghĩa về việc góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp khác
Nghị định số 47/2021/NĐ-CP (“Nghị định 47“) quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp được Chính phủ ban hành ngày 01/4/2021, có hiệu lực từ ngày 01/4/2021.
Nghị định 47 quy định cụ thể đối với một số nội dung của Luật Doanh nghiệp 2020 liên quan đến các vấn đề về doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nhà nước, nhóm công ty, doanh nghiệp quốc phòng – an ninh và công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, để cụ thể hóa quy định đối với trường hợp “các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp mới” theo Khoản 3 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng như trường hợp sở hữu chéo giữa các công ty trong nhóm công ty, Nghị định 47 đã giải thích cụ thể về việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp mới bao gồm các trường hợp sau:
- Cùng góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới.
- Cùng mua phần vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp đã thành lập.
- Cùng nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các thành viên, cổ đông của doanh nghiệp đã thành lập.
Theo đó, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ phải từ chối đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông công ty nếu trong quá trình thụ lý hồ sơ phát hiện việc góp vốn, mua cổ phần thành lập doanh nghiệp hoặc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp liên quan vi phạm quy định nêu trên.
Tiếp đó, đối với quy định liên quan đến doanh nghiệp xã hội, Nghị định 47 yêu cầu doanh nghiệp xã hội phải duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và nội dung khác ghi tại Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong suốt quá trình hoạt động. Trừ trường hợp chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời hạn đã cam kết, doanh nghiệp xã hội phải hoàn lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp xã hội đã tiếp nhận để thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư.
Nghị định cũng quy định việc chuyển đổi cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội. Cụ thể, cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được dùng toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ để chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan đã cấp giấy phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Doanh nghiệp xã hội sau khi chuyển đổi kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện chấm dứt hoạt động kể từ ngày doanh nghiệp xã hội được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Đánh giá một cách tổng thể, Nghị định 47 đã cung cấp những quy định chặt chẽ dùng làm căn cứ pháp lý giúp quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp 2020 được diễn ra thông suốt hơn, đặc biệt là trong việc xác định chính xác tính chất của các giao dịch, trách nhiệm và quyền hạn của các nhà quản lý doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước cũng như trong các giao dịch đầu tư liên quan đến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp giữa các công ty trong nhóm công ty.
II. NGHỊ ĐỊNH 31/2021/NĐ-CP
Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được chính thức công bố
Nghị định số 31/2021/NĐ-CP (“Nghị định 31”) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư được Chính phủ ban hành ngày 26/3/2020, có hiệu lực từ ngày ban hành.
Thông qua Nghị định 31, lần đầu tiên Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được chính thức công bố, trong đó bao gồm 25 ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường theo quy định tại Mục A Phụ lục I và 59 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Cùng với đó là Phụ lục III liệt kê cụ thể danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, thay thể cho các quy định tại Phụ lục II Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư (Ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ).
Nghị định 31/2021 cũng đã bổ sung thêm nhiều đối tượng thuộc nghề ưu đãi đầu tư gồm:
- Đầu tư nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học sử dụng làm thực phẩm.
- Sản xuất sản phẩm đồ gỗ; sản xuất ván nhân tạo, gồm: ván dán, ván ghép thanh, ván MDF.
- Đầu tư phát triển và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
- Đầu tư cơ sở hỗ trợ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng đối với người bán dâm.
- Đầu tư tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, Nghị định 31 đã bổ sung thêm 02 (hai) trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, cụ thể là:
- Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.
Có thể thấy rằng, những quy định hướng dẫn, bổ sung trong Nghị định 31 sẽ tạo ra nhiều sự thay đổi đáng kể trong lĩnh vực quản lý đầu tư, qua đó giúp cho hành lang pháp lý về doanh nghiệp và đầu tư của nước ta ngày càng hoàn thiện hơn, chặt chẽ hơn trước sự phát triển, đổi mới không ngừng của nền kinh tế Việt Nam.
III. NGHỊ ĐỊNH 50/2021/NĐ-CP
Điều chỉnh tên gọi một số loại Hợp đồng xây dựng
Nghị định số 50/2021/NĐ-CP (“Nghị định 50”) được Chính phủ ban hành ngày 01/4/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 37/2015/NĐ-CP (“Nghị định 37”) ngày 22/4/20215 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, có hiệu lực từ ngày ban hành.
Điểm mới đáng lưu ý trong Nghị định 50 là sự xuất hiện thêm một loại hợp đồng xây dựng mới là “Hợp đồng xây dựng đơn giản, quy mô nhỏ”. Đây là loại hợp đồng xây dựng thể hiện các gói thầu và có giá trị không vượt quá hạn mức của gói thầu quy mô nhỏ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đồng thời nội dung công việc thuộc phạm vi của hợp đồng có tính chất kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện.
Nghị định 50 cũng sửa tên Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ (viết tắt là Hợp đồng cung cấp thiết bị) thành Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị và khái niệm lại các loại Hợp đồng EP (Hợp đồng thiết kế và mua sắm vật tư, thiết bị), Hợp đồng PC (Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị và thi công xây dựng công trình), Hợp đồng thiết kế – mua sắm vật tư, thiết bị – thi công xây dựng công trình (Hợp đồng EPC).
Để khắc phục sai sót của Nghị định 37 khi không đề cập đến 02 (hai) loại hợp đồng “Hợp đồng theo chi phí cộng phí” và “Hợp đồng xây dựng khác” như quy định tại Điều 140 của Luật Xây dựng 2014, Nghị định 50 đã bổ sung vào 02 (hai) loại hợp đồng này vào nội dung Nghị Định cùng với quy định về giá hợp đồng xây dựng và điều kiện áp dụng của chúng.
Nghị định 50 được ban hành với kỳ vọng kịp thời bổ sung các quy định còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể giúp quá trình thi hành pháp luật trên thực tế được diễn ra trơn tru và thông suốt, đồng thời bảo đảm được tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về xây dựng và khắc phục được những tồn tại, hạn chế nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và nâng cao hiệu quả trong quá trinh đầu tư dự án.