LS. NGUYỄN HỒ NHƯ ANH, Bà HUỲNH THỊ MỸ DUYÊN – Công ty Luật THNH VICTORY LLC
DIENDANDOANHNGHIEP.VN – Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ các giao dịch mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử cũng như các ứng dụng. Tuy nhiên, kéo theo đó là những hệ luỵ rủi ro không đáng có.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, dẫn đến tình trạng “ngủ đông” của không ít các hoạt động kinh doanh, sản xuất, nhất là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo các Chỉ thị và biện pháp tăng cường của Nhà nước.
Tuy nhiên, những nhu cầu cơ bản của con người như ăn uống, chăm sóc sức khỏe… không thể vì thế mà “đóng băng”. Chính vì vậy, việc mua sắm hàng hóa thông qua hình thức thương mại điện tử (“TMĐT”) với những ưu điểm khá vượt trội của nó đang có xu hướng ngày càng gia tăng.
Bên cạnh những ưu điểm của việc mua sắm hàng hóa thông qua các kênh TMĐT như nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng… vẫn còn tồn đọng một số rủi ro đối với người tiêu dùng khi mua sắm thông qua kênh TMĐT trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Tại bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp một số nội dung mang tính pháp lý liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại.
Một số rủi ro đối với người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến
Mặc dù Nhà nước đã can thiệp và đảm bảo sẽ giữ mức bình ổn giá cho các sản phẩm nhu thiết yếu nhằm hỗ trợ người dân trong điều kiện dịch bệnh nhưng việc tăng giá thành sản phẩm vẫn là vấn đề “nhức nhối” không chỉ tại “điểm nóng” như TP Hồ Chí Minh, mà cả các tỉnh thành lân cận.
Điển hình của tình trạng này phải kể đến “tin nóng” kéo dài thời gian qua – chuỗi cửa hàng cung ứng hàng hóa X tăng giá thành sản phẩm, không niêm yết giá… gây khó khăn cho người tiêu dùng trong thời điểm giãn cách xã hội. Trên các kênh TMĐT, một số mặt hàng rau, củ, quả như bí đỏ, bí xanh, bầu… trước thời điểm COVID-19 có giá từ 15.000 – 25.0000đ/kg nhưng đến thời điểm này, các nhà cung ứng trên kênh TMĐT có thể bán ra với mức giá giao động từ 20.000 – 100.000đ/kg. Có thể nói, tình trạng tăng giá thành sản phẩm này khiến người tiêu dùng phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” khi khó khăn chồng khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các sàn TMĐT và mạng xã hội; vấn đề đánh cắp và lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng để lừa đảo, mạo danh thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật… ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh chung, đặc biệt là niềm tin và cả tài sản của người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc khó khăn trong quá trình xác thực danh tính, uy tín của chủ thể cung cấp hàng hóa cũng là một vấn đề đặt ra đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời điểm hiện tại. Như vậy, người tiêu dùng sẽ được bảo vệ như thế nào?
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến như thế nào?
Nhà nước trong những năm qua cũng đã từng bước xây dựng khung pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với trung tâm là Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Theo Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp; được cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ; được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa dịch vụ không đúng với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, công dụng, giá cả; được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, v.v.
Mặc dù việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng rất được chú trọng và đã được luật hóa từ trước thời điểm dịch bệnh COVID-19 xuất hiện rất lâu; tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập. Theo đó, để tự bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần lưu ý một số vấn đề như: kiểm tra tính chính xác, mức độ tuân phủ pháp luật TMĐT của các sàn TMĐT trước khi giao dịch thông qua việc kiểm tra trên trang web online.gov.vn được quản lý bởi Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số để xác định thông tin về sàn TMĐT trực tuyến mình quan tâm không; lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ uy tín … phản ánh, khiếu nại tới cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được tư vấn, hướng dẫn cách thức bảo vệ quyền lợi, v.v.
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (“BLHS”) cũng có quy định trách nhiệm hình sự đối với các các cá nhân, doanh nghiệp tự ý tăng giá bán hàng hóa, không niêm yết giá hoặc niêm yết không đúng quy định của pháp luật trong khuôn khổ tội đầu cơ (Điều 196, BLHS). Bên vi phạm có thể bị phạt tiền và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết, nếu không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước, thậm chí có thể bị tước giấy phép đăng kí kinh doanh/ đình chỉ hoạt động kinh doanh. Bên vi phạm có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, tùy theo mức độ vi phạm.
Theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 16/05/2013 về TMĐT (“NĐ 52”), người bán có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cá nhân khi tham gia giao dịch bằng hình thức TMĐT. Tuy nhiên, thực tế, một số sàn giao dịch chỉ yêu cầu người bán cung cấp họ tên, địa chỉ, email, số điện thoại “hoặc” chứng minh nhân dân. Do đó, sàn giao dịch TMĐT sẽ không nắm giữ được các thông tin mang tính xác minh về nhân thân người bán theo quy định tại khoản 2 Điều 29 NĐ 52. Chính sự nơi lỏng trong cơ chế quản lý thông tin của người bán với mục đích giúp sàn giao dịch TMĐT dễ dàng thu hút sự tiếp cận của các cá nhân, tổ chức đang tìm kiếm kênh phân phối lại dẫn đến hậu quả là khó ràng buộc và truy cứu trách nhiệm của người bán khi có hành vi vi phạm hoặc khi xảy ra tranh chấp.
Năm 2020 chính phủ cũng ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định này áp dụng cho cả các hoạt động mua bán trực tuyến. Theo đó, các cơ quan chức năng có thể áp mức phạt lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức; cá nhân buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền từ 1-70 triệu đồng (phụ thuộc vào giá trị hàng giả tương đương với hàng thật).
Thời gian thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp tăng cường vẫn đang kéo dài, đặc biệt, riêng Tp. Hồ Chí Minh thực hiện theo chỉ đạo của UBND Thành phố, hạn chế tối đa người dân ra đường khi không cần thiết và các hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa đến người dân được nhà nước hỗ trợ thông qua tổ hậu cần, tổ COVID-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện, công an, quân đội… thì việc mua sắm hàng hóa thông qua hình thức TMĐT trở thành “bạn của mọi nhà”, giúp người dân có thêm kênh cung ứng hàng hóa với nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt, bên cạnh những ưu điểm vượt trội của mình, kênh TMĐT cũng tồn tại không ít những vấn đề như đã nêu trên. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần hiểu rõ về những vấn đề liên quan tới TMĐT và các cơ chế cứng (các quy định pháp luật) cũng như các cơ chế mềm (trang web đăng ký các sàn TMĐT và các công cụ truyền thông đại chúng).