I. Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022
Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022 mang số hiệu 03/2022/QH15 (“Luật Sửa Đổi, Bổ Sung của 09 Luật”), do Quốc Hội ban hành ngày 11/01/2022, có hiệu lực từ ngày 01/03/2022.
Sau đây là một số nội dung chính đáng chú ý của Luật Sửa Đổi, Bổ Sung của 09 Luật:
Thứ nhất, về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)
Quốc hội sửa đổi Luật PPP, theo hướng: Quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Trung ương do bộ, cơ quan Trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Thứ hai, về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư
Với mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương, Quốc Hội sửa đổi và bổ sung quy định về các Dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối trong Luật Đầu tư để thực hiện phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa, không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới.
Ngoài ra, Quốc Hội còn bổ sung mới ngành, nghề kinh doanh dịch vụ, sản phẩm an ninh mạng vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV Luật Đầu tư.
Thứ ba, về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu
Nhằm bảo đảm tính thống nhất, thúc đẩy giải ngân, đưa dự án hoàn thành đúng thời hạn, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ, xây lắp trong các dự án ODA, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Luật Sửa Đổi, Bổ Sung của 09 Luật quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng: Việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
II. NGHỊ ĐỊNH 15/2022/NĐ-CP
Giảm thuế Giá trị gia tăng (GTGT) xuống còn 8% và trừ thuế cho các chi phí hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19
Nghị định số 15/2022/NĐ-CP (“Nghị định 15”) do Chính phủ ban hành ngày 28/01/2022 về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.
Theo đó, giảm thuế GTGT xuống còn 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất.
- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.
Các nhóm hàng hóa, dịch vụ trên được nêu cụ thể trong các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Trừ khai thác than, việc giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại hàng hóa, dịch vụ quy định được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công và thương mại.
Ngoài ra, Nghị định 15 còn quy định về việc trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các chi phí hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 như sau:
- Các khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của kỳ tính thuế TNDN năm 2022
- Biên bản xác nhận được lập bởi hai bên theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 15 sẽ là một trong các hồ sơ cần thiết cho việc cho việc khấu trừ thuế TNDN
Việc xây dựng và ban hành Nghị định 15 được đảm bảo bám sát các nội dung quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan. Với sự đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội, Nghị định 15 đã tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế, thuận lợi trong việc xuất hóa đơn cũng như kê khai, nộp thuế. Qua đó khuyến khích các doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; đồng thời phù hợp với xu thế chung của thế giới về thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm sớm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
III. NGHỊ ĐỊNH 02/2022/NĐ-CP
Bỏ yêu cầu vốn pháp định 20 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản
Nghị định số 02/2022/NĐ-CP (“Nghị định 02“) quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản được Chính phủ ban hành ngày 06/1/2022, có hiệu lực từ ngày 01/03/2022 và thay thế Nghị định số 76/2015/NĐ-CP(“Nghị định 76”).
Nhằm đảm bảo phù hợp với điểm a, khoản 2, Điều 75 Luật Đầu tư năm 2020, Nghị định 02 quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản (trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên) chỉ phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), mà không còn bị yêu cầu phải có vốn pháp định từ 20 tỷ đồng trở lên.
Song song với việc bãi bỏ yêu cầu quy định về số vốn pháp định 20 tỷ đồng, Nghị định 02 bổ sung thêm một số điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản như sau:
- Phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban Quản lý dự án đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản thì phải công bố thông tin về doanh nghiệp tại sàn giao dịch bất động sản.
- Chỉ kinh doanh các bất động sản có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9, Điều 55 của Luật Kinh doanh bất động sản.
- Trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án bất động sản theo quy định của pháp luật thì nhà đầu tư đó phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên. Khi thực hiện kinh doanh bất động sản thì chủ đầu tư dự án cũng vẫn phải đáp ứng điều kiện nêu trên.
Cần lưu ý rằng việc xác định vốn chủ sở hữu trong trường hợp này được căn cứ vào kết quả báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc kết quả báo cáo kiểm toán độc lập của doanh nghiệp đang hoạt động (được thực hiện trong năm hoặc năm trước liền kề); trường hợp là doanh nghiệp mới thành lập thì xác định vốn chủ sở hữu theo vốn điều lệ thực tế đã góp theo quy định của pháp luật.
Với hàng loạt các quy định pháp luật mới có hiệu lực vào đầu năm 2022, việc ban hành Nghị định 02 của Chính phủ vào thời điểm hiện tại là hoàn toàn cần thiết. Với nhiều quy định sửa đổi và bổ sung mới so với Nghị định 76, Nghị định 02 đã tạo ra tính thống nhất, đồng bộ cao hơn trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác; đặc biệt là mang tính thực tiễn cao hơn và rất nhiều quy định sẽ khắc phục được các bất cập, vướng mắc, mang tính tháo gỡ những rào cản cho không chỉ các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản mà còn cho cả công tác giám sát, quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này và các lĩnh vực có liên quan (quy hoạch, đầu tư, đất đai, thuế,..).
IV. NGHỊ ĐỊNH 112/2021/NĐ-CP
Số tiền phải ký quỹ tăng lên 1.000.000.000 đồng so với trước đây
Nghị định số 112/2021/NĐ-CP (“Nghị định 112”) được Chính phủ ban hành vào ngày 10/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, thay thế Nghị định số 38/2020/NĐ-CP (“Nghị định 38”).
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) phải thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng) tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. So với Nghị định 38, mức tiền ký quỹ là 1.000.000.000 (Một tỷ đồng) và doanh nghiệp dịch vụ chỉ được ký quỹ tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định 112 bổ sung quy định mới đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh phải ký quỹ thêm 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng).
Về mức trần tiền ký quỹ của người lao động Việt Nam cho doanh nghiệp dịch vụ, Nghị định 112 quy định doanh nghiệp dịch vụ và người lao động thỏa thuận về ngân hàng nhận ký quỹ, việc ký quỹ, trong đó tiền ký quỹ không vượt quá mức trần quy định và phải ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tiền ký quỹ của người lao động Việt Nam được sử dụng để bồi thường thiệt hại nếu có do người lao động gây ra cho doanh nghiệp dịch vụ.
Đối với thị trường Đài Loan (Trung Quốc) mức trần tiền ký quỹ đối với người lao động là 12.000.000 đồng (Mười hai triệu đồng); thị trường Hàn Quốc là 36.000.000 đồng (Ba mươi sáu triệu đồng) được áp dụng tất cả ngành, nghề trừ nghề thuyền viên tàu cá xa bờ và tàu vận tải. Đối với thị trường Nhật Bản, các nước thuộc khu vực Châu Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông và các quốc gia khác không thực hiện ký quỹ (nếu có thì tương đương giá trị 01 lượt vé máy bay hạng phổ thông từ nơi làm việc về Việt Nam).
Trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, nhu cầu trở lại thị trường lao động của người lao động Việt Nam tăng cao đáng kể. Trên đây là một số quy định mới mà doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng cần lưu ý và tuân thủ nhằm tránh những sai sót không đáng có dẫn đến mức phạt hành chính có thể lên tới 400.000.000 đồng (Bốn trăm triệu đồng) cho một hành vi vi phạm.
V. NGHỊ ĐỊNH 95/2021/NĐ-CP
Theo quy định mới, cứ 10 ngày sẽ điều chỉnh giá xăng dầu một lần
Nghị định 95/2021/NĐ-CP (“Nghị định 95”) do Chính phủ ban hành ngày 1/11/2021 sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP (“Nghị định 83”) về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 02/01/2022.
Theo đó, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP có một số điểm mới về kinh doanh xăng dầu được sửa đổi, bổ sung như sau:
- Bổ sung mới công thức tính giá cơ sở
Giá cơ sở xăng dầu được xác định bằng (=) giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng (+) giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.
Như vậy, công thức mới tính giá cơ sở xăng dầu được xác định từ cơ cấu tỷ trọng gồm cả 02 (hai) nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước, thay vì chỉ trên giá nhập khẩu như trước đây.
2. Kỳ điều hành giá xăng dầu
Về nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, Nghị định 95 nêu rõ thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Như vậy, các kỳ điều hành giá bán lẻ sẽ cách nhau 10 ngày thay vì 15 ngày như trước đây, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần.
Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.
3. Sửa đổi, bổ sung khái niệm
3.1 Bỏ khái niệm “đồng sở hữu” và bổ sung quy định về “thuê cửa hàng”
Trong quá trình áp dụng Nghị định 83, quy định về đồng sở hữu đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc xác định như thế nào là đồng sở hữu trong quá trình quản lý và kinh doanh. Do đó, Nghị định 95 đã bỏ khái niệm “đồng sở hữu” cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thay vào đó quy định thương nhân được thuê cửa hàng bán lẻ xăng dầu để thực hiện hoạt động kinh doanh xăng dầu, đồng thời sửa đổi quy định về thủ tục hành chính đối với các cửa hàng thuê.
Bên thuê sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với việc đáp ứng quy chuẩn cửa hàng xăng dầu và đứng tên trên Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Quy định này giúp doanh nghiệp có thể linh hoạt hơn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng kinh doanh xăng dầu và thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương khi cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
3.2 Bổ sung khái niệm mới về thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ
Theo đó, loại hình thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ được phép hoạt động nếu đáp ứng các điều kiện như:
- được kiểm soát về đo lường và kiểm định an toàn;
- hoạt động tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa;
- thuộc sở hữu của một trong các thương nhân kinh doanh xăng dầu sau: đại lý bán lẻ hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ hoặc thương nhân phân phối hoặc thương nhân đầu mối sản xuất, kinh doanh;
- thương nhân kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ gửi hồ sơ thông báo đến Sở Công Thương địa phương nơi đặt thiết bị bán xăng dầu để cấp cấp Giấy tiếp nhận thông báo kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ.
Có thể thấy, với những quy định sửa đổi của Nghị định 95 về quyền sở hữu tài sản, cơ cấu hình thành giá xăng dầu cơ sở, bổ sung loại hình hoạt động quy mô nhỏ tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ góp phần cho hoạt động kinh doanh xăng dầu được điều hành ổn định, minh bạch theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình phát triển kinh tế xã hội, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan.
VI. NGHỊ ĐỊNH 85/2021/NĐ-CP
Người bán bắt buộc phải cung cấp thông tin chi tiết về hàng hóa, dịch vụ trên website thương mại điện tử bán hàng
Nghị định số 85/2021/NĐ-CP (“Nghị định 85”) sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử được Chính phủ ban hành vào ngày 25/09/2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Theo Nghị định số 85, các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử gồm 04 hình thức: website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ; mạng xã hội có một trong các hình thức trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc hoạt động đó. Như vậy, từ ngày 01/01/2022, bên cạnh hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử thông qua website như trước đây, thương nhân, tổ chức còn được thực hiện hoạt động thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội như: Facebook, zalo, instagram…
Theo quy định mới, thông tin về hàng hoá, dịch vụ đối với website thương mại điện tử bán hàng phải được người bán cung cấp chi tiết, cụ thể:
- Đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
- Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.
- Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.
Ngoài ra, Nghị định 85 còn quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc phối hợp cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu với Bộ Công Thương về số lượng đơn hàng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; đồng thời, cập nhật danh sách các nhà cung cấp nước ngoài trực tiếp đăng ký thuế, kê khai thuế.
Đặc biệt, với các trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam chưa đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về thuế sẽ bị cập nhật danh sách trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, Nghị định 85 ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để Nhà nước có cơ sở quản lý, điều chỉnh và đưa lĩnh vực này đi vào khuôn khổ pháp luật. Nghị định 85 thắt chặt các quy định thu thuế của Chính phủ đối với các bên cung ứng dịch vụ thương mại điện tử, ràng buộc trách nhiệm lớn hơn của các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến trong công tác giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử.