- LĨNH VỰC XUẤT NHẬP CẢNH
Luật số 23/2023/QH15 ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (“Luật XNC 2023″)
Ngày 24/6/2023, Quốc Hội ban hành Luật số 23/2023/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật XNC 2023 có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Các quy định mới trong Luật XNC 2023 mang đến nhiều thay đổi tiến bộ hỗ trợ thủ tục đăng ký xin visa vào Việt Nam cho người nước ngoài và thủ tục đăng ký hộ chiếu đối với công dân Việt Nam. Cụ thể, một số nội dung nổi bật và đáng chú ý của Luật XNC 2023:
Nâng thời hạn visa điện tử lên 90 ngày
Kể từ ngày 15/8/2023, thời hạn thị thực điện tử (visa điện tử) đã được nâng lên từ không quá 30 ngày thành không quá 90 ngày. Bên cạnh đó, thị thực điện tử sẽ được cấp trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phù hợp với chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đồng thời, Luật cũng mở rộng danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử và danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử sẽ được quyết định bởi Chính phủ.
Bổ sung thông tin về nơi sinh vào hộ chiếu và hủy hộ chiếu nếu quá hẹn 12 tháng mà không đến nhận
Luật XNC 2023 quy định trên giấy tờ xuất nhập cảnh phải thể hiện các thông tin quan trọng như: (i) ảnh chân dung; (ii) họ, chữ đệm và tên; (iii) giới tính; (iv) nơi sinh; (v) ngày, tháng, năm sinh; (vi) quốc tịch; (vii) ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; và (viii) số định danh cá nhân. Như vậy, từ ngày 15/8/2023, nơi sinh cũng là một thông tin bắt buộc phải có trong hộ chiếu.
Ngoài ra, quy định mới về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu cũng được bổ sung. Theo đó, sau 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn trả hộ chiếu mà công dân không đến nhận và cũng không có thông báo bằng văn bản về lý do chưa nhận gửi đến cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan cấp hộ chiếu có quyền hủy giá trị sử dụng hộ chiếu đó. Do vậy, người dân cần lưu ý mốc thời hạn 12 tháng này, nếu không thể đến nhận trong thời hạn cần kịp thời gửi thông báo bằng văn bản trình bày lý do gửi đến cơ quan cấp hộ chiếu để tránh rơi vào trường hợp hủy hộ chiếu nêu trên.
Bổ sung quy định về giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu ở nước ngoài
Luật XNC 2023 đơn giản hóa yêu cầu đối với viêc đăng ký làm hộ chiếu cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại và các thủ tục khác liên quan. Theo đó, các loại hồ sơ, giấy tờ cụ thể cần cho việc cấp hộ chiếu ở nước ngoài bao gồm:
Đối với tài liệu tại mục (iii) và (iv) nêu trên, nếu không có bản sao hoặc bản trích lục thì có thể nộp bản chụp và xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
Luật XNC 2023 góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và dần tháo gỡ nhiều nút thắt trong hoạt động xuất nhập cảnh của nước ta, từ đó tạo môi trường thông thoáng trong hoạt động xuất, nhập cảnh, lưu trú của công dân, người nước ngoài và góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/04/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Ngày 17/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân (“Nghị định 13”); Đây được coi là khung pháp lý đầu tiên và toàn diện về bảo vệ dữ liệu cá nhân ở nước ta chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Dưới đây là một số quy định đáng chú ý đối với các tổ chức và cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân được Nghị định 13 điều chỉnh:
Định nghĩa và phân loại dữ liệu cá nhân, các quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân
Nghị định 13 định nghĩa dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử, gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Theo đó, dữ liệu cá nhân được phân loại thành 02 nhóm là (i) dữ liệu cá nhân cơ bản; và (ii) dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Chủ thể dữ liệu là cá nhân được dữ liệu cá nhân phản ánh, đối tượng này được trao 11 (mười một) quyền hạn cụ thể cho phép bảo vệ tốt hơn dữ liệu của chính mình. Đặc biệt là quy định về quyền đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý dữ liệu được áp dụng đối với tất cả các hoạt động trong quy trình xử lý dữ liệu cá nhân nhằm khắc phục tình trạng ngày càng có nhiều chủ thể tự ý thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho các mục đích khác nhau nhưng không thông báo hoặc không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.
Tuy nhiên, vẫn có 05 (năm) ngoại lệ xử lý dữ liệu cá nhân mà không cần sự đồng ý nêu trên trong những trường hợp thật sự cần thiết như để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu, hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh, dịch bệnh nguy hiểm…
Quy định về biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân
Các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định tại Nghị định 13 gồm có:
Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an, có trách nhiệm giúp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong việc xử lý dữ liệu cá nhân và trách nhiệm của các bên liên quan
Theo đó, tất cả chủ thể thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 13 cần lưu ý về các hành vi bị nghiêm cấm như việc xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định pháp luật; để tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam hoặc lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để vi phạm pháp luật. Đáng chú ý, Nghị định 13 không cho phép việc mua bán bất kỳ dữ liệu nào dưới mọi hình thức trừ khi việc này được pháp luật cho phép nhằm khắc phục tình trạng mua bán dữ liệu trái phép đã và đang xảy ra một cách tràn lan.
Rải rác trong toàn văn Nghị định 13 là các quy định cụ thể về trách nhiệm của bên kiểm soát dữ liệu, bên xử lý dữ liệu và cả bên thứ ba có liên quan trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân. Do đó, với việc Nghị định 13 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/7/2023, các doanh nghiệp cần bắt đầu rà soát các chính sách nội bộ và thực tiễn quản lý quyền riêng tư của mình ngay lập tức để xác định các khoảng vênh giữa các chính sách nội bộ, hoạt động triển khai với yêu cầu của Nghị định 13 để lên kế hoạch hành động hoặc thay đổi phù hợp.
Trước những yêu cầu về một khung pháp lý chính thức, trực diện và cụ thể để bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam một cách hiệu quả, giảm thiểu tối đa những nguy cơ và hệ quả của các hành vi xâm phạm dữ liệu, đồng thời giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan, Nghị định 13 được kỳ vọng sẽ đáp ứng được những yêu cầu vừa nêu trong thời gian tới.
Nghị định 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (“Nghị định 46”)
Vào ngày 01/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 ngày 16/6/2022 (“Luật Kinh doanh bảo hiểm”), nhằm thực hiện chức năng cụ thể hóa các quy định của Luật, Nghị định 46 mang đến một số điểm nổi bật đáng chú ý trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm như sau:
Điều kiện để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam
Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm cần phải đáp ứng các điều kiện về (i) cổ đông, thành viên góp vốn thành lập; (ii) vốn điều lệ tối thiểu; (iii) nhân sự; và (iv) hình thức tổ chức hoạt động, dự thảo điều lệ. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp này được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần kéo theo những điều kiện cụ thể tương ứng về thành viên góp vốn hoặc cơ cấu cổ đông góp vốn.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài khi thành lập chi nhánh tại Việt Nam còn cần phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nơi đóng trụ sở chính xác nhận đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và không vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm trong thời hạn 03 năm liên tục gần nhất.
Nhìn chung Nghị định 46 thiết lập các điều kiện tương đối chặt chẽ trong việc cấp Giấy phép để đảm bảo hiệu quả hoạt động và giảm thiếu rủi ro trong quá trình vận hành thực tế.
Phương pháp và cơ sở tính phí bảo hiểm cần được đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận
Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cần phải đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới và cần nhận được sự chấp thuận từ Bộ Tài chính đối với các nội dung này trước khi triển khai, tuy nhiên cần lưu ý rằng việc này không áp dụng đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Ngoài ra, nếu có thay đổi về phương pháp, cơ sở tính phí hoặc thay đổi về quy tắc, điều kiện, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm làm ảnh hưởng tới phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cũng cần nộp hồ sơ đăng ký sửa đổi, bổ sung với Bộ Tài chính.
Được ban hành nhằm thực hiện chức năng cụ thể hóa các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 46 đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng suốt một thời gian dài từ nhiều đối tượng như các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm về một hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quan trọng hơn hết là tính phù hợp với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu thực tiễn thị trường trong những năm tới nhằm đảm bảo tốt nhất các quyền lợi cho các bên khi thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 46 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.
- LĨNH VỰC TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
1. Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng
Vào ngày 28/6/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN (“Thông tư 06”) để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (“TCTD”), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (“Thông tư 39”) với 03 nội dung chủ đạo là: (i) bổ sung các mục đích vay vốn không được cho vay; (ii) bổ sung yêu cầu đối với các quy định nội bộ trong việc cho vay và quản lý tiền vay; (iii) tạo hành lang pháp lý cho các khoản vay được duyệt thông qua phương tiện điện tử để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Dưới đây là phần cập nhật cụ thể của từng nội dung này:
Bổ sung nhu cầu vốn không được cho vay
Theo đó, so với các quy định của Thông tư 39, Thông tư 06 đã bổ sung thêm 04 nhu cầu vốn tiềm ẩn rủi ro mà TCTD không được cho vay, cụ thể đó là:
- Để gửi tiền;
- Để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoặc công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom;
- Để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn/hợp tác đầu tư/hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh tại thời điểm quyết định cho vay; và
- Để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đủ 02 điều kiện được thiết lập bởi Thông tư 06.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhằm tránh tạo thêm rào cản cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn chính đáng, đặc biệt là khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/2023/NQ-CP nhằm thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng cho thị trường bất động sản, ngày 23/8/2023, Thông tư 10/2023/TT-NHNN đã được ban hành nhằm ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39 (tức ngưng hiệu lực thi hành đối với những nhu cầu vay vốn thứ (2),(3),(4) được trình bày phía trên) từ ngày 01/9/2023 cho đến ngày có văn bản quy phạm pháp luật mới điều chỉnh về các nội dung này.
Các quy định nội bộ của tổ chức tín dụng về cho vay, quản lý tiền vay được thiết lập theo hướng chặt chẽ hơn
Dựa trên quy định pháp luật, TCTD được phép xây dựng các quy định nội bộ về cho vay và quản lý tiền vay sao cho phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của đơn vị mình nhưng vẫn cần phải đảm bảo một số nội dung tối thiểu được Thông tư 39 quy định, các quy định này nay được Thông tư 06 điều chỉnh theo hướng chi tiết, chặt chẽ hơn, điển hình như:
- Đối với quy định về điều kiện cho vay, cần đảm bảo quy định các tiêu chí cụ thể xác định nhu cầu vay vốn sử dụng vào mục đích hợp pháp và có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ;
- Bổ sung quy định về điều kiện cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm, phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm;
- Bổ sung quy định nhằm kiểm soát việc cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán; mua, kinh doanh bất động sản.
Việc thiết lập các yêu cầu nêu trên nhằm góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, kiểm soát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế.
Bổ sung quy định về hoạt động cho vay cá nhân bằng phương tiện điện tử
Theo đó, để có thể triển khai hình thức cho vay này, TCTD cần phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như: (i) có giải pháp, công nghệ kỹ thuật đảm bảo tính chính xác, bảo mật, an toàn trong quá trình thu thập, sử dụng, kiểm tra thông tin, dữ liệu; (ii) có biện pháp kiểm tra, đối chiếu, cập nhật, xác minh thông tin, dữ liệu và biện pháp ngăn chặn các hành vi giả mạo, can thiệp, chỉnh sửa làm sai lệch thông tin, dữ liệu; (iii) có biện pháp theo dõi, nhận dạng, đo lường và kiểm soát rủi ro; có phương án xử lý rủi ro; và (iv) phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, bộ phận có liên quan. Vì vậy, với các quy định mới, các TCTD có thể triển khai cho vay theo phương thức điện tử theo quy định pháp luật mà không phải lo ngại về các rủi ro pháp lý.
Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải gửi cho TCTD các tài liệu, dữ liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định và các tài liệu, dữ liệu khác theo hướng dẫn của TCTD. Dư nợ cho vay đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống và có thông tin nhận biết đã được xác minh theo quy định không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam tại một TCTD.
Không chỉ bổ sung quy định mới, Thông tư 06 còn sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp với hình thức cho vay này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động tín dụng vận hành an toàn, hiệu quả.
Qua đó có thể thấy rằng, Thông tư 06 đã thực hiện rất nhiều vai trò từ việc thiết lập hành lang pháp lý đảm bảo an toàn tín dụng, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay và quản lý tiền vay đến việc cụ thể hóa định hướng chủ trương, chuyển đổi số của ngành ngân hàng bằng những quy định rõ ràng. Những điểm mới này được kỳ vọng sẽ góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế cũng như thúc đẩy các TCTD ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tín dụng, góp phần đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, Thông tư 06 chính thức có hiệu lực vào ngày 01/9/2023.
2. Thông tư 30/2023/TT-BTC ngày 17/5/2023 hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước
Thông tư 30/2023/TT-BTC được ban hành vào ngày 17/5/2023 mang đến những quy định chi tiết để hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước (“Thông tư 30”), dưới đây cùng điểm qua một số nội dung tóm lược của Thông tư 30:
Về đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải được doanh nghiệp phát hành đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (“TCTLK”) với các thông tin về doanh nghiệp, thông tin về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và về người sở hữu trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo mẫu quy định; nếu có thay đổi cần thực hiện điều chỉnh và chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác, đầy đủ và kịp thời của các thông tin này.
Đối với việc lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký tại thành viên lưu ký để lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại TCTLK hoặc thực hiện đăng ký thông tin để sử dụng tài khoản lưu ký trong trường hợp đã có tài khoản. Trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thành viên lưu ký phải đăng ký với TCTLK thông tin tài khoản lưu ký của nhà đầu tư đã được cập nhật theo quy định.
Về chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Thông tư 30 quy định chi tiết về các trường hợp chuyển quyền như sau:
- Trường hợp 1: TCTLK thực hiện chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong trường hợp giao dịch mua bán trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ;
- Trường hợp 2: TCTLK thực hiện chuyển quyền sở hữu không thực hiện qua hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, như khi tặng cho, thừa kế, hoặc chuyển quyền sở hữu theo bản án, quyết định của tòa án, trọng tài hoặc cơ quan thi hành án, do phân chia tài sản chung vợ chồng, hoặc xử lý tài sản đảm bảo là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ,…
Đối với Trường hợp 2, Bên chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải thực hiện lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trước khi thực hiện chuyển quyền sở hữu, trừ khi Bên chuyển quyền sở hữu bị mất tích, chết, định cư ở nước ngoài không liên lạc được hoặc đã chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc giải thể doanh nghiệp,…
Về thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Việc thanh toán tiền giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được thực hiện tại ngân hàng thanh toán trên cơ sở nghĩa vụ thanh toán do TCTLK thông báo. Do đó, thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp cần phải mở các tài khoản tiền gửi đứng tên mình tại ngân hàng thanh toán để thực hiện thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho các giao dịch tự doanh, môi giới trong nước và môi giới nước ngoài. Theo đó, quy trình thanh toán được mô tả tóm lược như sau:
- Đầu tiên, sau khi giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được xác lập và hoàn tất, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội cung cấp thông tin về kết quả giao dịch cho TCTLK để thực hiện hoạt động thanh toán;
- Tiếp theo, TCTLK kiểm tra tính hợp lệ của giao dịch, phong tỏa số lượng trái phiếu bán và thông báo kết quả giao dịch hợp lệ cho thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp để xác nhận kết quả giao dịch;
- Cuối cùng, trên cơ sở xác nhận này, TCTLK xác định nghĩa vụ thanh toán tiền, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và gửi thông tin nghĩa vụ thanh toán cho các bên liên quan và ngân hàng thanh toán.
Cần lưu ý rằng việc thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ được thực hiện theo phương thức thanh toán tức thời theo từng giao dịch với thời gian thanh toán trong cùng ngày giao dịch.
Với những hướng dẫn rõ ràng, chi tiết mà Thông tư 30 mang lại, thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ được kỳ vọng sẽ vận hành và phát triển mạnh mẽ, vững chắc để có thể tiếp tục góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế của nước ta, Thông tư 30 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.