A. ĐẤU THẦU
1. Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 23/06/2023
“Giải quyết vướng mắc về đấu thầu trong lĩnh vực y tế và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu”
Ngày 23/06/2023, Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 (“Luật Đấu thầu 2023”). Đóng vai trò là khung pháp lý quan trọng để điều chỉnh hoạt động mua sắm công trong lĩnh vực y tế, Luật Đấu thầu 2023 được kỳ vọng sẽ giải quyết các vướng mắc trong thời gian qua nhằm đảm bảo tính an toàn, hiệu quả kinh tế, công khai và minh bạch; đặc biệt là những tồn đọng, vướng mắc trong việc đấu thầu và mua sắm tài sản công tại các cơ sở khám chữa bệnh thuộc sở hữu nhà nước với nhiều điểm mới quan trọng như:
- Tăng tính tự chủ của cơ sở y tế công lập thông qua việc cho phép tự quyết định mua sắm thuốc ngoài danh mục chi trả của quỹ bảo hiểm y tế hoặc được quyết định lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm sử dụng nguồn vốn vay (trừ các nguồn vốn liên quan đến gốc nhà nước).
- Cho phép mua sắm tập trung đối với những loại thuốc hiếm có số lượng sử dụng ít, giúp bên mua dễ đàm phán với nhà cung cấp và chủ động được nguồn cung, đảm bảo có đủ thuốc phục vụ khám chữa bệnh.
- Cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế mà cơ sở khám chữa bệnh không đáp ứng được để cấp cứu người bệnh, tránh gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng người dân; hoặc mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường.
Luật Đấu thầu 2023 hướng đến việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu hơn so với Luật cũ thông qua việc loại bỏ một số thủ tục thẩm định và phê duyệt cấp trung gian; quy định rõ những khung hoặc mốc thời gian quan trọng hoặc cho phép kết nối và chia sẻ thông tin giữa hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và các cổng thông tin điện tử để rút ngắn thời gian đánh giá dự thầu. Đặc biệt là việc dần tiến tới đấu thầu qua mạng bắt đầu từ ngày 01/01/2025.
B. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
2. Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024
“Thắt chặt hành lang pháp lý trong hoạt động ngân hàng”
Ngày 18/01/2024 Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (“Luật CTCTD”) với kết cấu gồm 15 Chương, 210 Điều và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024 mang nhiều điểm mới đáng chú ý:
Theo đó, Luật CTCTD đã giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan (“NCLQ”) tại TCTD nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo hoặc thao túng chi phối trong ngành ngân hàng, cụ thể, cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ (trước là 15%), hoặc cổ đông cùng với NCLQ thì tỷ lệ này là 15% (trước là 20%), đối với cá nhân thì tỷ lệ 5% vẫn được giữ nguyên.
Bên cạnh đó, Luật mới cũng nghiêm cấm các TCTD gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức nhằm khắc phục và ngăn chặn tình trạng các TCTD ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm trái với nhu cầu và ý muốn của họ khi tiếp cận các khoản vay. Ngoài ra, bổ sung quy định về cung cấp, công khai thông tin, đặc biệt cổ đông sở hữu từ 01% trở lên vốn điều lệ của TCTD phải cung cấp thông tin và TCTD phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để đảm bảo minh bạch.
Đặc biệt, TCTD không được cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá 10% vốn tự có (trước đây 15%) và một khách hàng cùng với NCLQ không quá 15% (trước đây 25%). Tuy nhiên, việc giảm này cũng sẽ diễn ra theo lộ trình cho đến năm 2029. Việc giảm tỷ lệ cho vay như vậy nhằm giúp TCTD đa dạng hóa danh mục tín dụng và giảm thiểu rủi ro quá hạn.
Ở lần sửa đổi này, quyền thu giữ tài sản đảm bảo của TCTD khi xử lý nợ xấu không còn được duy trì như tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của TCTD. Do đó, các TCTD cần cân nhắc và kiểm soát chặt việc cấp tín dụng từ khâu tiếp cận hồ sơ, quá trình giải ngân, sử dụng vốn, thu hồi nợ cho đến xử lý tài sản đảm bảo.
3. Nghị định số 83/2023/NĐ-CP (“NĐ 83”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP (“NĐ 95”) về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán
“Sửa đổi, bổ sung quy định về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ”
Với hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2024, NĐ 83 đã sửa đổi, bổ sung NĐ 95 về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ, thiết lập một hành lang pháp lý chi tiết, cụ thể phục vụ cho công tác triển khai trên thực tế.
So với quy định cũ, NĐ 83 đã bổ sung định nghĩa phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ (“TPCP”) là việc phân phối TPCP cho từng đối tượng mua thông qua hai (02) phương thức, một là bán trực tiếp, hai là thông qua ngân hàng thương mại (“NHTM”) để làm đại lý phân phối và thanh toán.
Quy trình thực hiện việc phát hành TPCP bắt đầu từ việc Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành và báo cáo cho Bộ Tài chính. Sau khi có được sự chấp thuận thì Kho bạc Nhà nước sẽ tổ chức thực hiện theo phương án được chấp thuận nêu trên.
Nếu phát hành TPCP thông qua đại lý phân phối thì một vấn đề quan trọng cần quan tâm là phải lựa chọn và ký hợp đồng với đơn vị hội đủ các điều kiện mà NĐ 83 yêu cầu, điển hình là việc các NHTM phải có chức năng cung cấp dịch vụ đại lý phát hành trái phiếu, điều kiện về mạng lưới hoạt động hoặc phương án phân phối và thanh toán đáp ứng được nhu cầu của tổ chức phát hành.
C. THUẾ
4. Nghị định số 94/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội (“NĐ 94”)
“Giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ trong nửa đầu năm 2024”
Nội dung chính của NĐ 94 liên quan đến việc giảm thuế giá trị gia tăng (“GTGT”) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Mức giảm cụ thể sẽ tùy thuộc phương pháp tính thuế GTGT của cơ sở kinh doanh:
- Nếu tính thuế theo phương pháp khấu trừ sẽ được áp dụng mức thuế giảm từ 10% xuống 8%.
- Nếu tính thuế theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu thì được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế.
Lưu ý rằng mức giảm này chỉ được áp dụng từ ngày 01/01/2024 cho đến hết ngày 30/06/2024.
Tuy nhiên, việc giảm thuế GTGT nêu trên không áp dụng với các nhóm hàng hoá, dịch vụ quy định tại Phụ lục I, II, III của NĐ 94, chủ yếu thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, viễn thông, bảo hiểm… hoặc là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngoài ra, theo NĐ 94, các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 5% sẽ không được giảm thuế.
Đồng thời, việc giảm thuế GTGT được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.