Với chủ trương đơn giản hóa các thủ tục hành chính, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2018/NĐ-CP (“Nghị định 108”) vào ngày 23/8/2018, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Nghị định 108 đã giải quyết được nhiều vướng mắc, bất cập còn tồn tại trong quy trình đăng ký doanh nghiệp và quy định chi tiết hơn một số điều khoản tại Nghị định 78/2015. Có thể kể đến một số điểm mới nổi bật của Nghị định 108, sẽ có hiệu lực từ ngày 10/10/2018.
1. Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Trước đây, mặc dù không hề tồn tại quy định buộc doanh nghiệp phải đóng dấu vào các hồ sơ, biểu mẫu nhưng một số cơ quan đăng ký doanh nghiệp vẫn yêu cầu phải đóng dấu. Qua Nghị định 108, quy định hình thức này đã được bãi bỏ, giúp các doanh nghiệp tránh tình trạng bị trả lại hồ sơ do không đóng dấu.
2. Văn bản ủy quyền cho cá nhân thành lập doanh nghiệp không cần công chứng, chứng thực
Tuy Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp hoặc các văn bản hướng dẫn không có quy định về việc phải công chứng, chứng thực văn bản ủy quyền cho cá nhân để thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, vẫn tồn tại một số trường hợp cơ quan đăng ký doanh nghiệp gây khó khăn cho cả người được ủy quyền và bên ủy quyền do văn bản uỷ quyền không được công chứng chứng thực. Quy định mới được ban hành này sẽ giải quyết được vấn đề tưởng chừng nhỏ nhưng gây phiền toái nói trên.
3. Thực hiện đồng thời nhiều thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Quy định này bắt nguồn từ Công văn số 6856/BKHĐT-ĐKKD của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được cụ thể hoá tại Điều 1 Khoản 5 của Nghị định 108. Theo đó, doanh nghiệp có thể đồng thời đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khác, trừ trường hợp thay đổi đại diện theo pháp luật.
4. Thành phần hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên
Khi đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên, hồ sơ không còn yêu cầu phải nộp Điều lệ hoặc tài liệu tương đương của chủ sở hữu công ty trong trường hợp chủ sở hữu là tổ chức.
5. Bỏ hạn chế về địa điểm khi thành lập địa điểm kinh doanh
Nghị định 108 đã mang lại một sự thay đổi mang tính đột phá, có ý nghĩa quan trọng cho những doanh nghiệp mong muốn kinh doanh tại nhiều khu vực khác nhau nhưng lại không có điều kiện thành lập nhiều chi nhánh. Trước đây, doanh nghiệp chỉ được thành lập địa điểm kinh doanh tại địa phương nơi đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh. Thông qua Nghị định mới này, doanh nghiệp có thể thành lập địa điểm kinh doanh tại nhiều địa phương khác nhau, giúp cho việc mở rộng địa bàn kinh doanh trở nên dễ dàng hơn.
6. Cho phép người nhận ủy quyền ký số để nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh
Trước đây, việc ký số để nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh chỉ được thực hiện bằng chữ ký số của người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp. Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi cho phép người nhận ủy quyền thực hiện ký số vào hồ sơ đăng ký kinh doanh để không phải nộp bản giấy.
7. Một số thay đổi khác về thủ tục, hồ sơ
- Theo Nghị định 108, trong trường hợp giảm vốn điều lệ, doanh nghiệp không còn phải nộp báo cáo tài chính.
- Doanh nghiệp không phải nộp hồ sơ thông báo mẫu dấu bằng bản giấy đến Phòng đăng ký kinh doanh khi thực hiện thủ tục thông báo qua mạng điện tử.
- Công ty cổ phần chỉ thực hiện thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập đến Phòng đăng ký kinh doanh trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua.
Có thể thấy, Nghị định 108 đã rút gọn, đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh tại Viêt Nam.