A. VIỄN THÔNG
1. Luật Viễn thông số 24/2023/QH15 ngày 24/11/2023 (“Luật Viễn thông 2023”)
Ngày 24/11/2023, Quốc hội thông qua Luật Viễn thông 2023, mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới như: dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra từ xu thế chuyển đổi số; và xây dựng “Khung pháp lý cho dịch vụ viễn thông thế hệ mới”.
Luật hóa dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây
Luật Viễn thông 2023 đã tạo một hành lang pháp lý mới nhằm điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây. Đặc biệt, việc đầu tư kinh doanh các loại hình dịch vụ này sẽ không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Đây là một “thành tựu” đáng ghi nhận trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm thu hút vốn đầu tư cũng như tăng cười mối quan hệ hợp tác với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh việc thực hiện các nghĩa vụ về công bố chất lượng dịch vụ, tuân thủ các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây phải có trách nhiệm ngăn chặn truy cập, khai thác thông tin, dữ liệu trái phép và phải có những động thái cần thiết nhằm ngăn chặn các hành vi trái pháp luật nêu trên. Có thể thấy, dù định hướng mở rộng đầu tư, luật hóa dịch vụ viễn thông thế hệ mới, khung pháp lý về bảo vệ thông tin, dữ liệu vẫn luôn được chú trọng.
Cải tiến cơ chế bảo mật thông tin và bảo vệ dữ liệu
Như đã đề cập, khung pháp lý về bảo vệ dữ liệu của Việt Nam ngày càng cải tiến rõ rệt. Theo đó, Luật Viễn thông 2023 không cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người dùng như tên, địa chỉ, số thuê bao… trừ khi có sự đồng ý của người dùng hoặc thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhằm thực hiện tốt chính sách an ninh dữ liệu trên không gian mạng, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số toàn diện mà Việt Nam đang hướng đến.
Kết nối viễn thông công cộng – tư nhân và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông
Trên cơ sở không phân biệt đối xử giữa các loại hình hoạt động, Luật Viễn thông 2023 cho phép mạng viễn thông dùng riêng được kết nối vào mạng viễn thông công cộng trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Đồng thời, Luật Viễn thông 2023 cũng cho phép việc xây dựng và lắp đặt các công trình viễn thông trên tài sản công, thúc đẩy việc hợp tác sử dụng cơ sở hạ tầng dùng chung giữa các dự án viễn thông và kỹ thuật khác; cho phép chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông, giữa doanh nghiệp viễn thông và các cơ quan, tổ chức trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.
Việc thiết lập khuôn khổ pháp lý đối với các dịch vụ viễn thông thế hệ mới là một động thái tích cực, vừa đảm bảo tính hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, vừa đảm bảo được sự phát triển bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
A. THƯƠNG MẠI – TIÊU DÙNG
2. Luật Bảo vệ người tiêu dùng số 19/2023/QH15 ngày 20/06/2023 (“Luật BVQLNTD”)
Luật BVQLNTD có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024 với nhiều quy định mới hướng đến việc “tạo lập một thị trường công bằng và minh bạch, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Trên tinh thần đó, Luật BVQLNTD đưa ra những quy định tương đối chặt chẽ để điều chỉnh các loại giao dịch đặc thù, điển hình như giao dịch từ xa, nhằm đáp ứng những đòi hỏi từ bối cảnh thị trường mua sắm trực tuyến đã và đang trở nên rất phổ biến.
Ngoài ra, Luật BVQLNTD cũng lần đầu tiên đề cập đến trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, người có ảnh hưởng là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể; và chính vì có sức tác động mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng, người có ảnh hưởng phải minh bạch và bắt buộc phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Nhìn chung, Luật BVQLNTD đã cập nhật nhiều quy định mới không chỉ nâng cao mức độ bảo vệ người tiêu dùng mà còn từng bước trang bị kiến thức, kỹ năng tiêu dùng để hình thành sự chủ động của người tiêu dùng nhằm bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội.
C. THUẾ – PHÍ
3. Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội (“Nghị định 72”)
Có thể thấy, quy định giảm thuế giá trị gia tăng (“GTGT”) tại Nghị định 72 mang tính kế thừa các quy định tại Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 trước đây. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% sẽ được giảm xuống còn 8% kể từ ngày 01/7 đến hết ngày 31/12 năm 2024, ngoại trừ các nhóm thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản…
Nhìn chung, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2024 nhằm ổn định cung cầu hàng hóa, hỗ trợ người tiêu dùng và tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong nước.
D. TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG
4. Thông tư số 11/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28/6/2024 (“Thông tư 11”)
Về cơ bản, Thông tư 16 ban hành vào thời điểm áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực, tuy nhiên, hiện nay, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã có hiệu lực thay thế, do đó, việc ban hành Thông tư 11 thay thế nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là mang tính cấp thiết.
Theo đó, Thông tư 11 đã bổ sung và bãi bỏ một số nguyên tắc khi mua bán trái phiếu doanh nghiệp, cụ thể:
- Bổ sung nguyên tắc: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu (“DNPH”) có nghĩa vụ gửi cho tổ chức tín dụng (“TCTD”) thông tin về người có liên quan trước khi TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp; và TCTD phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi mua, bán trái phiếu doanh nghiệp nhằm phù hợp với quá trình chuyển đổi số đất nước.
- Bãi bỏ các nguyên tắc hạn chế đối với TCTD trong việc mua trái phiếu chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã bán.
Đồng thời, Thông tư 11 đã sửa đổi quy định về quản lý tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp, cụ thể, tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp và người có liên quan của DNPH sẽ được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan, nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD.
Đặc biệt, trước thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm mạnh kể từ sau các vụ việc vi phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát vào năm 2021, 2022; Thông tư 11 đã bổ sung trách nhiệm của TCTD khi mua trái phiếu doanh nghiệp nhằm minh bạch hóa hơn nữa thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, khi phát hiện DNPH sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích thì TCTD phải yêu cầu DNPH mua lại trái phiếu trước hạn, nếu DNPH không thực hiện thì TCTD được xử lý, thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu. Tóm lại, Thông tư 11 được ban hành với hy vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, góp phần cung cấp thêm một công cụ, sản phẩm đầu tư mới nhằm thu hút đầu tư nhưng vẫn bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường khá nhiều rủi ro này.