1. NGHỊ ĐỊNH 38/2018/NĐ-CP
“Thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa“
Nghị định số 38/2018/NĐ-CP (“Nghị định 38”) ngày 11/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo có hiệu lực cùng ngày.
Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ; không có tư cách pháp nhân; quỹ này không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác. Tài sản góp vốn có thể bằng Đồng Việt Nam, vàng, giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Nhà đầu tư không được sử dụng vốn vay để góp vốn thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Phạm vi hoạt động đầu tư của quỹ khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm: (i) gửi tiền tại các ngân hàng thương mại; (ii) đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư.
Việc có được hành lang pháp lý cụ thể cho quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty start-up có được một bệ phóng tốt để phát triển, vươn mình.
2. NGHỊ ĐỊNH 39/2018/NĐ-CP
“Hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp nhỏ và vừa“
Nghị định số 39/2018/NĐ-CP (“Nghị định 39”) ngày 11/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực cùng ngày, thay thế Nghị định 56/2009/NĐ-CP.
Nghị định 39 quy định rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa khi cử lao động tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới ba (03) tháng sẽ được miễn chi phí đào tạo. Các chi phí còn lại do doanh nghiệp nhỏ và vừa tự thỏa thuận với người lao động. Để miễn chi phí đào tạo, người lao động phải đáp ứng các điều kiện sau: (i) đã làm việc trong doanh nghiệp tối thiểu sáu (06) tháng liên tục; (ii) không quá năm mươi (50) tuổi đối với nam và bốn mươi lăm (45) tuổi đối với nữ. Bộ LĐTBXH có trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết hơn trong tương lai.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhưng không quá một (01) lần/năm. Khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp có tối thiếu 10 học viên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp quy mô nhỏ này còn được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ (không bao gồm tư vấn về thủ tục hành chính theo quy định chuyên ngành). Theo đó, doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 3.000.000 đồng/năm; doanh nghiệp nhỏ được giảm 30% nhưng không quá 5.000.000 đồng/năm; doanh nghiệp vừa được giảm 10% nhưng không quá 10.000.000 đồng/năm.
3. NGHỊ ĐỊNH 40/2018/NĐ-CP
“Thay đổi một số điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp“
Nghị định số 40/2018/NĐ-CP (“Nghị định 40”) ngày 12/03/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực từ ngày 02/05/2018, thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
Theo đó, sản phẩm nội dung thông tin số đã được đưa vào phạm vi hàng hóa không được kinh doanh đa cấp.
Nghị định này cũng sửa đổi, bổ sung một số điều kiện đối với tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, khi đòi hỏi doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp phải: (i) có vốn điều lệ từ 10.000.000.000 đồng trở lên; (ii) có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; (iii) có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới bán hàng đa cấp và trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; (iv) có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.
Đặc biệt, theo Nghị định 40, mức ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phải tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10.000.000.000 đồng, thay vì trước đây là không thấp hơn 5.000.000.000 đồng. Điều này nhằm mục đích tăng cường mức độ cam kết của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đối với người tham gia bán hàng và cơ quan quản lý trong hoạt động kinh doanh của mình. Số tiền ký quỹ này sẽ được phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp và chỉ được rút, sử dụng khi có văn bản đồng ý của Bộ Công thương.
Ngoài ra, Nghị định 40 còn mở rộng đối tượng không được tham gia hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm cán bộ, công chức. Người tham gia bán hàng đa cấp phải được đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và chương trình đào tạo kiến thức phải được Bộ Công thương xác nhận.
4. NGHỊ ĐỊNH 63/2018/NĐ-CP
“Thay đổi một số quy định đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)“
Nghị định số 63/2018/NĐ-CP (“Nghị định 63”) ngày 04/05/2018 của Chính phủ quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư có hiệu lực từ ngày 19/06/2018, thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
Theo Nghị định 63, nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong quá trình thực hiện dự án PPP nên thời gian thực hiện dự án được rút gọn.
Nghị định 63 cũng đã nâng điều kiện về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tư nhân, cụ thể như sau:
Đối với dự án có tổng vốn đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng là 20% (so với 15% như trước đây);
Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tư nhân phải chiếm ít nhất 20% đối với phần vốn lên đên 1.500 tỷ đồng, và ít nhất 10% đối với phần vốn còn lại vượt quá 1.500 tỷ đồng.
Hơn nữa, Nghị định 63 quy định giá, phí hàng hóa dịch vụ và các khoản thu từ dự án đối tác công tư phải đảm bảo lợi ích của ba (03) bên: nhà đầu tư – người sử dụng – nhà nước, tạo điều kiện để nhà đầu tư thu hồi vốn và có lợi nhuận.
5. NGHỊ ĐỊNH 28/2018/NĐ-CP (TM-XNK)
“Nhiều biện pháp phát triển ngoại thương mới trong bối cảnh hội nhập kinh tế“
Nghị định số 28/2018/NĐ-CP (“Nghị định 28”) ngày 01/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương có hiệu lực cùng ngày, thay thế Nghị định số 100/2011/NĐ-CP.
Nghị định 28 quy định các đề án xúc tiến thương mại theo các chương trình cấp quốc gia được hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện cho các nội dung cụ thể như: tổ chức hội chợ, triễn lãm quốc tế ở nước ngoài và tại Việt Nam đối với các sản phẩm xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng khu vực trưng bay, giới thiệu hàng hóa xuất khẩu trên cổng thông tin điện tử, mạng internet, mạng thương mại điện tử…
Đối với các doanh nghiệp có sản phẩm thuộc chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, ngoài việc được hưởng chế độ ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế, hải quan và các thủ tục hành chính khác, doanh nghiệp còn được hỗ trợ kinh phí khi tham gia các hoạt động thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
6. NGHỊ ĐỊNH 31/2018/NĐ-CP (TM-XNK)
“Các biện pháp chống gian lận xuât xứ hàng hóa“
Nghị định số 31/2018/NĐ-CP (“Nghị định 31”) ngày 08/03/2018 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa có hiệu lực cùng ngày, thay thế Nghị định 19/2006/NĐ-CP.
Nghị định 31 bổ sung quy định cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể áp dụng các biện pháp chống gian lận xuất xứ đối với ba (03) trường hợp:
- Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ba (03) tháng, kể từ lần đầu tiên thương nhân đăng tải các thông tin, dữ liệu không liên quan đến cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử;
- Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong sáu (06) tháng, kể từ ngày phát hiện thương nhân sử dụng chứng từ giả hoặc kê khai gian lận khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
- Thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp và tạm dừng cấp trong sáu (06) tháng kể ừ ngày thương nhân không hợp tác, không cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ hoặc cung cấp sai thông tin chứng minh xuất xứ hàng hóa khi cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận tiến hành hậu kiểm.
Ngoài các biện pháp nêu trên, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận có thể áp dụng chế độ luồng đỏ trong hệ thống quản lý rủi ro đối với thương nhân và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương.
7. NGHỊ ĐỊNH 51/2018/NĐ-CP
“Thay đổi một số quy định về mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa“
Nghị định số 51/2018/NĐ-CP (“Nghị định 51”) ngày 09/04/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa có hiệu lực từ ngày 01/06/2018.
Theo đó, Nghị định 51 đã bỏ quy định chỉ áp dụng hoạt động mua bán hàng hoá bằng hình thức qua Sở giao dịch đối với hàng hoá thuộc danh mục hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành.
Với Nghị định 51 mới này, những hàng hoá nằm ngoài danh mục do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành cũng có thể được mua bán qua sở giao dịch hàng hoá. Những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh, Sở Giao dịch phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trước khi niêm yết. Đối với những mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa bị cấm, kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh thì Sở Giao dịch phải gửi hồ sơ thông báo đến Bộ Công thương 30 ngày trước khi chính thức niêm yết.
Nghị định 51 cũng bổ sung trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thành lập Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam; mua cổ phần, phần vốn góp của Sở Giao dịch hàng hóa với tỷ lệ không quá 49% vốn điều lệ.
8. THÔNG TƯ 38/2018/BTC (TM-XNK)
“Những trường hợp không phải nộp chứng nhận xuất xứ hàng hóa“
Thông tư số 38/2018/TT-BTC (“Thông tư 38”) ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 05/06/2018.
Thông tư 38 quy định các trường hợp không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu;
- Hàng hóa nhập khẩu không thuộc các loại hàng hóa như: hàng hóa có xuất xứ từ nước được Việt Nam cho hưởng các ưu đãi về thuế; hàng hóa thuộc diện đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại; hàng hóa thuộc diện đang trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá v.v; hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ các chế độ quản lý nhập khẩu v.v;
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp quy định miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên.
Đối với hàng hóa thuộc trường hợp (i) và (ii) nhưng người khai hải quan đề nghị nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa này tại thời điểm làm thủ tục hải quan và thực hiện khai theo quy định thì cơ quan hải quan tiếp nhận và kiểm tra chứng từ theo quy định.
Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải có chữ ký của người sản xuất hoặc người xuất khẩu, trừ trường hợp Điều ước quốc tế có quy định khác hoặc chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp dưới dạng điện tử truyền qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
9. NGHỊ ĐỊNH 69/2018/NĐ-CP
“Thay đổi một số quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện“
Nghị định số 69/2018/NĐ-CP (“Nghị định 69”) ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương có hiệu lực cùng ngày, thay thế Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg và Nghị định số 187/2013/NĐ-CP.
So với quy đinh trước đây, Nghị định 69 đã thay đổi một số quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện đối với một số mặt hàng cụ thể: đối với hàng thực phẩm đông lạnh; hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt; hàng đã qua sử dụng thì quy định mới đã bỏ điều kiện buộc doanh nghiệp phải được thành lập tối thiểu 02 năm, đã có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hàng hóa.
Ngoài ra, Nghị định 69 còn bổ sung quy định đối doanh nghiệp thực hiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện đó là doanh nghiệp không được ủy thác hoặc nhận ủy thác tạm nhập, tái xuất hàng hóa tạm nhập.
10. THÔNG TƯ 39/2018/TT-BTC (THUẾ)
“Mức tính số tiền chậm nộp thuế là 0,03%/ngày“
Thông tư số 39/2018/TT-BTC (“Thông tư 39”) ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 05/06/2018.
Theo đó, mức tính số tiền chậm nộp có hiệu lực hiện hành là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, được giảm 0,02% so với quy định trước đây.
Thông tư 39 cũng bỏ quy định về việc người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp trong trường hợp khai báo làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa là đối tượng không chịu thuế, hàng hóa được miễn thuế, hàng hóa được áp dụng thuế suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, mức thuế theo hạn ngạch thuế quan nhưng sau kiểm tra, xác định hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, không được miễn thuế, không được ưu đãi về thuế. Đồng thời, bổ sung trường hợp người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp khi hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế được bảo lãnh để thông quan hoặc giải phóng hàng theo quy định pháp luật.