Theo cam kết của WTO sau ngày 31/12/2018, các nước sẽ không còn được mặc nhiên coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Nhân cột mốc quan trọng này, PGS TS TRẦN VIỆT DŨNG – Cố vấn pháp lý cao cấp của Victory LLC đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, khẳng định rằng đó là một tín hiệu tích cực cho Việt Nam trong các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại.
1. Việc các nước sẽ không còn được mặc nhiên coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường sẽ tác động như thế nào tới các vụ kiện phòng vệ thương mại, thưa ông?
Đối với Việt Nam đây thực sự là một tín hiệu tốt và có lợi cho Việt Nam trong các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại. Bởi khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết chấp nhận việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm kể từ khi gia nhập đối với thủ tục điều tra chống bán phá giá và các biện pháp đối kháng.
Quy chế nền kinh tế phi thị trường này được bắt đầu từ hệ thống thương mại của GATT đối với các nước theo mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ghi chú thứ hai vào đoạn 1.2 của Điều VI GATT 1947 quy định: “Thừa nhận rằng trong trường hợp nhập khẩu từ một nước mà thương mại hoàn toàn mang tính chất độc quyền hoặc hầu như độc quyền hoặc toàn bộ giá trong nước do nhà nước định đoạt, việc xác định tính so sánh của giá cả nhằm mục đích nêu tại khoản 1 có thể có những trường hợp đặc biệt và trong những trường hợp đó, các bên ký kết là bên nhập khẩu có thể thấy cần tính đến khả năng rằng việc so sánh chính xác với giá cả trong nước của nước đó không phải lúc nào cũng thích đáng”.
Dựa vào điều khoản này, một số thành viên của WTO đã không chấp nhận giá hay chi phí sản xuất của hàng hoá tại các nền kinh tế phi thị trường như là một cơ sở thích hợp cho việc tính toán giá trị thông thường với lập luận giá và chi phí này được điều chỉnh bởi Chính phủ và do đó, không theo quy luật của thị trường. Cơ quan điều tra sẽ sử dụng giá và chi phí sản xuất của hàng hoá tại một nước thứ ba nào đó để làm cơ sở tính toán cho giá thông thường. Như vậy, doanh nghiệp của các nước có nền kinh tế phi thị trường sẽ phải chịu sự phân biệt đối xử so với doanh nghiệp thuộc các nước có nền kinh tế thị trường. Đây chính là điểm bất lợi lớn nhất của Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá từ trước tới nay.
Nhưng khi các nước khác không được mặc nhiên coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường thì cách tính giá này sẽ bị hủy, những bất lợi trên sẽ chấm dứt. Vì cơ quan điều tra của nước nhập khẩu sẽ phải xác định giá trị thông thường của hàng hoá Việt Nam theo giá bán tại Việt Nam. Điều này sẽ bảo đảm biên độ phá giá sẽ được tính chính xác hơn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
2. Vậy, ông đánh giá thế nào về năng lực của các doanh nghiệp Việt trong việc ứng phó với các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế ngày càng sâu thì các doanh nghiệp gồm cả doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với tranh chấp, khiếu kiện phòng vệ thương mại ngày càng nhiều.
Thời gian gần đây, sau nhiều vụ kiện thương mại xảy ra, các doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong phòng vệ để bảo vệ chính mình. Điều này thể hiện qua việc các doanh nghiệp đã tích cực hợp tác, cung cấp thông tin cho các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu khi bị điều tra. Với các doanh nghiệp đã “quen” với các vụ kiện chống bán phá giá, đặc biệt là doanh nghiệp ngành thuỷ sản, thép hay tôn mạ thì họ đã có sự chuẩn bị, có những biện pháp để giảm thiểu thiệt hại. Nhưng với những doanh nghiệp các ngành khác, hoặc với những doanh nghiệp chưa quen thì các vụ kiện chống bán phá giá có thể vẫn là thách thức lớn.
3. Để phòng tránh những thiệt hại từ những vụ kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam có cần thay đổi chiến lược kinh doanh không, thưa ông?
Có chứ! Khi doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường nào đó phải tính được tác động của thị trường tại các nước sở tại, phải nhìn nhận tín hiệu của thị trường và nguy cơ bị kiện và bị áp các loại thuế phòng vệ thương mại. Từ đó điều chỉnh chiến lược giá, chiến lược kinh doanh để hạn chế khả năng bị kiện.
Doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc giải pháp mềm là liên doanh, mua cổ phần với các “đối thủ” cạnh tranh – các doanh nghiệp của nước nhập khẩu, điều này sẽ giúp làm “loãng” các đối thủ cạnh tranh trong ngành công nghiệp nội địa của nước xuất khẩu. Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt phải liên tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường, để khi doanh nghiệp bị kiện phá giá mà không thể xuất khẩu ở thị trường này thì có thị trường khác để xuất khẩu.
4. Theo ông, doanh nghiệp Việt cần phải làm gì khi đối mặt với các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại?
Doanh nghiệp Việt phải tích cực hợp tác với cơ quan điều tra thay vì tránh né. Cần nhanh chóng trả lời chính xác và đầy đủ các biểu mẫu và cung cấp số liệu bổ sung khi được yêu cầu. Điều này có thể sẽ giúp cơ quan điều tra sử dụng các số liệu của doanh nghiệp làm mẫu điều tra. Mức thuế suất cuối cùng của các doanh nghiệp mẫu thường sẽ thấp hơn mức thuế suất chống bán phá giá/đối kháng toàn quốc. Các doanh nghiệp cần có những cố vấn pháp lý am hiểu pháp luật chống bán phá giá để thực hiện thủ tục này.
Các doanh nghiệp XK Việt cũng nên xây dựng hệ thống sổ sách theo chuẩn kế toán quốc tế (IFRS) bên cạnh các hệ thống sổ sách theo chuẩn VAS (theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam). Như vậy khi bị điều tra doanh nghiệp sẽ không mất thời gian để chuyển đổi số liệu phù hợp với yêu cầu của cơ quan điều tra của nước nhập khẩu.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, đăng tải ngày 09/12/2018)