1. THÔNG TƯ 17/2018/TT-NHNN
“Đơn giản hóa điều kiện đối với cổ đông sáng lập ngân hàng thương mại cổ phần“
Thông tư số 17/2018/TT-NHNN (“Thông tư 17”) ngày 14/8/2018 của Ngân hàng nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về việc cấp giấy phép, mạng lưới hoạt động và hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 01/10/2018.
Theo Thông tư 17, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% vốn điều lệ khi thành lập ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó cổ đông sáng lập là pháp nhân phải cùng nhau sở hữu tối thiếu 50% tổng số cổ phần của các cổ đông sáng lập. Đồng nghĩa với việc các cổ đông sáng lập phải luôn duy trì tỷ lệ trên chứ không chỉ trong thời hạn năm (05) năm kể từ ngày cấp giấy phép như quy định trước đây tại Thông tư số 14/2011/TT-NHNN.
Đồng thời, Thông tư 17 bãi bỏ một số điều kiện để trở thành cổ đông sáng lập tại Thông tư số 14/2011/TT-NHNN, gồm: (i) phải có khả năng về tài chính để góp vốn; (ii) chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp; (ii) cam kết hỗ trợ ngân hàng thương mại cổ phần về tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp ngân hàng thương mại cổ phần khó khăn về vốn hoặc khả năng thanh khoản; (iii) có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập là tổ chức.
Ngoài ra, một trong những điều kiện để ngân hàng thương mại được cho phép gia hạn hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước hoặc quốc tế theo Thông tư số 21/2014/TT-NHNN là ngân hàng thương mại đó đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện có thời hạn. Nay, điều kiện này đã được bãi bỏ.
2. NGHỊ ĐỊNH 142/2018/NĐ-CP
“Thay đổi điều kiện kinh doanh một số ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch“
Nghị định số 142/2018/NĐ-CP (“Nghị định 142”) ngày 09/10/2018 của Chính phủ sửa đổi điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hiệu lực từ ngày ban hành.
Nghị định 142 đã nới lỏng điều kiện cho các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường kinh doanh sản xuất phim hiện nay, theo đó, điều kiện về vốn pháp định để kinh doanh sản xuất phim đã giảm từ 1.000.000.000 đồng xuống chỉ còn 200.000.000 đồng.
Ngoài ra, điều kiện về kinh doanh dịch vụ karaoke đã được nới lỏng hơn so với Nghị định số 103/2009/NĐ-CP, cụ thể Nghị định 142 đã bãi bỏ một số quy định trước đây như: (i) đảm bảo ánh sáng trong phòng trên 10 Lux tương đương một (01) bóng đèn sợi đốt 40W cho 20m2; (ii) không được bán rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng; (iii) cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ phòng; (iv) đảm bảo âm thanh vang ra ngoài phòng không vượt quá quy định.
3. THÔNG TƯ 21/2018/TT-BCT
“Bãi bỏ quy định về đối tượng thông báo website thương mại điện tử“
Thông tư số 21/2018/TT-BCT (“Thông tư 21”) ngày 20/08/2018 của Bộ Công Thương sửa đổi Thông tư số 47/2014/TT-BCT và Thông tư số 49/2015/TT-BCT về quản lý thương mại điện tử (“TMĐT”) qua ứng dụng trên thiết bị di động có hiệu lực từ ngày 18/10/2018.
Thông tư 21 bãi bỏ quy định về đối tượng thông báo website TMĐT bán hàng, gồm: thương nhân; tổ chức có chức năng tổ chức hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc tiến hành các hoạt động TMĐT; cá nhân được cấp mã số thuế cá nhân và không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư 21 sửa đổi quy định về đối tượng đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại là thương nhân hoặc tổ chức có website TMĐT trên đó cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ: (i) sàn giao dịch TMĐT; (ii) khuyến mại trực tuyến; hoặc (iii) đấu giá trực tuyến. Quy định này đã mở rộng đối tượng phải đăng ký website TMĐT so với quy định cũ, cụ thể với đối tượng là tổ chức, quy định mới không còn giới hạn tổ chức có website TMĐT phải hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại hoặc hỗ trợ doanh nghiệp.
4. NGHỊ ĐỊNH 108/2018/NĐ-CP
“Một số thay đổi trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp“
Nghị định 108/2018/NĐ-CP (“Nghị định 108”) ngày 23/8/2018 của Chính phủ quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP (“Nghị định 78”) về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 10/10/2018.
Đối với thủ tục đăng ký doanh nghiệp, Nghị định 108 bổ sung quy định không bắt buộc doanh nghiệp phải đóng dấu: (i) giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; (ii) thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; và (iii) nghị quyết, quyết định, biên bản trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Đối với văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực như quy định trước đây.
Đối với trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp, Nghị định 108 bổ sung quy định về việc doanh nghiệp có thể đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đồng thời đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khác, trừ trường hợp đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật. Bên cạnh đó, Nghị định 108 cũng bổ sung quy định về việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Như vậy, trong cùng một lần, cá nhân/tổ chức có thể thực hiện nhiều thủ tục, rút ngắn rất nhiều thời gian và chi phí
Về thành lập địa điểm kinh doanh, Nghị định 108 bãi bỏ quy định chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. So với quy định trước đây, quy định mới làm giảm sự cản trở, tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp trong việc thành lập địa điểm kinh doanh.
Như vậy, Nghị định 108 đã thay đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm đơn giản hóa các trình tự, thủ tục, mang lại sự hiệu quả, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp liên quan đến thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
5. NGHỊ ĐỊNH 147/2018/NĐ-CP
“Bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận kinh doanh vận tải biển“
Nghị định số 147/2018/NĐ-CP (“Nghị định 147”) ngày 24/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực cùng ngày.
Nghị định 147 chính thức bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải biển chỉ cần đáp ứng điều kiện chung là được thành lập theo đúng quy định pháp luật thay vì phải có thêm Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển như quy định trước đây tại Nghị định số 160/2016/NĐ-CP.
Đồng thời, Nghị định 147 đã đơn giản hóa điều kiện kinh doanh vận tải biển nội địa: (i) là doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển được thành lập theo quy định của pháp luật; (ii) có quyền sử dụng hợp pháp tối thiểu một (01) tàu biển mang quốc tịch Việt Nam. Trước đây, ngoài những điều kiện này, doanh nghiệp còn phải đáp ứng điều kiện về nhân lực, về tổ chức bộ máy, về tài chính v.v.
6. NGHỊ ĐỊNH 119/2018/NĐ-CP
“Từ 01/11/2020 bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử“
Nghị định số 119/NĐ-CP (“Nghị định 119”) ngày 12/09/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có hiệu lực từ ngày 01/11/2018, thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP.
Theo đó, mọi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đều bắt buộc phải xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Đối với các lĩnh vực: điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, vận tải, bảo hiểm, y tế, tài chính tín dụng, kinh doanh thương mại điện tử, siêu thị, những doanh nghiệp trên được lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.
Nghị định 119 bắt buộc mỗi lần bán hàng hóa, dịch vụ đều phải xuất hóa đơn điện tử, không phân biệt giá trị từng lần bán, thay vì quy đinh cũ cho phép miễn xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ dưới 200.000 đồng.
Việc sử dụng hóa đơn điện tử có hay không có mã của cơ quan thuế bắt buộc phải đăng ký trên cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Kể từ thời điểm sử dụng hóa đơn điện tử theo đăng ký, những hóa đơn giấy còn tồn đọng bắt buộc phải tiêu hủy, không được sử dụng tiếp.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sử dụng từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử được thực hiện theo lộ trình đến ngày 01/11/2020 và các Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP vẫn còn hiệu lực cho đến 31/10/2020. Do đó, bắt đầu từ ngày 01/11/2020 thì mọi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh đều phải sử dụng hóa đơn điện tử.
7. NGHỊ ĐỊNH 130/2018/NĐ-CP
“Thay đổi một số điều kiện cấp phép chứng thực chữ ký số“
Nghị định số 130/2018/NĐ-CP (“Nghị định 130”) ngày 27/09/2018 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số có hiệu lực từ ngày 15/11/2018, thay thế Nghị định số 26/2007/NĐ-CP (“Nghị định 26”); Nghị định số 116/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 26; và Nghị định số 107/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 26
Nghị định 130 thay đổi một số điều kiện về tài chính để cấp giấy phép cho tổ chức cung cấp dịch cụ chứng thực chữ ký số công cộng. Theo đó, doanh nghiệp bắt buộc phải ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam không dưới 05 tỷ đồng thay vì ký quỹ hoặc có giấy bảo lãnh của ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam không dưới 05 tỷ đồng hoặc cam kết mua mua bảo hiểm. Đồng thời, Nghị định 130 không đặt ra điều kiện doanh nghiệp phải có đủ năng lực tài chính để thiết lập hệ thống trang bị kỹ thuật, tổ chức và duy trì hoạt động phù hợp với quy mô tổ chức dịch vụ.
Hồ sơ xin cấp phép theo Nghị định 130 cũng được rút gọn hơn, cụ thể doanh nghiệp không cần phải nộp: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp trong đó ghi rõ ngành nghề cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử; điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; kế hoạch kinh doanh.
Ngoài ra, Nghị định 130 đã thay đổi thời hạn của giấy phép cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là 10 năm, thay vì không quá 10 năm như quy định trước đây.
8. NGHỊ ĐỊNH 143/2018/NĐ-CP
“Từ năm 2022 người lao động nước ngoài phải đóng 8% Bảo hiểm xã hội bắt buộc“
Nghị định số 143/2018/NĐ-CP (“Nghị định 143”) ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội (“BHXH”) bắt buộc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/12/2018.
Nghị định 143 có quy định mới về việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau: ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.
Từ ngày 01/01/2022, hàng tháng, người lao động nước ngoài đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó, thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
Mức đóng BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động cho người lao động nước ngoài như sau:
- 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
- 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01/01/2022.
9. THÔNG TƯ 39/2018/TT-BCT
“Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể về việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu“
Thông tư 39/2018/TT-BCT (“Thông tư 39”) ngày 30/10/2018 của Bộ Công thương về việc quy định kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu có hiệu lực từ ngày 14/12/2018.
Việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu được thực hiện theo hai (02) phương thức: (i) kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; (ii) kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất.
Thông tư 39 quy định các trường hợp được thực hiện theo phương thức (i), cụ thể:
- Cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu đề nghị kiểm tra xuất xứ hàng hóa;
- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước tiến hành kiểm tra, xác minh, quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa; hoặc
- Cơ quan chức năng khác trong nước đề nghị phối hợp khi có lý do nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận.
- Cơ quan chức năng khác trong nước đề nghị phối hợp khi có lý do nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa.
Phương thức (ii) được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu đề nghị kiểm tra tại cơ sở sản xuất khi kết quả kiểm tra của phương thức (i) chưa đủ căn cứ để xác định xuất xứ hàng hóa hoặc khi có lý do nghi ngờ gian lận xuất xứ hàng hóa.
- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước tiến hành kiểm tra, xác minh, quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa trong một số trường hợp cụ thể.
Những trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước tiến hành kiểm tra, xác minh, quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa:
- Trước khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O);
- Trước khi cấp văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc cấp mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa; hoặc
- Sau khi đã cấp hoặc đã phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
10. NGHỊ ĐỊNH 148/2018/NĐ-CP
“Thay đổi căn cứ tính phụ cấp thôi việc, tiền lương trả trong ngày nghỉ hàng năm, lễ, tết“
Nghị định số 148/2018/NĐ-CP (“Nghị định 148”) ngày 24/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP (“Nghị định 05”) ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động có hiệu lực từ ngày 15/12/2018.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 148 là quy định mới về tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động (“NLĐ”) trong ngày nghỉ hàng năm, ngày nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên, ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương. Cụ thể, căn cứ tính tiền lương là tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, thay vì tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề như tại Nghị định 05 trước đây.
Theo Nghị định 148, không còn tính thời gian thử việc, học nghề, tập nghề của NLĐ là thời gian làm việc thực tế để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm như quy định trước đây.
Ngoài ra, Nghị định 148 bổ sung quy định về tiền lương làm căn cứ bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Theo đó, tiền lương làm căn cứ bồi thường là tiền lương theo hợp đồng tại thời điểm hợp đồng lao được bị đơn phương chấm dứt trái pháp luật.
11. NGHỊ ĐỊNH 150/2018/NĐ-CP
“Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực truyền thông“
Nghị định số 150/2018/NĐ-CP (“Nghị định 150”) ngày 07/11/2018 của Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông có hiệu lực từ ngày 24/12/2018.
Theo Nghị định 150, quy định về việc cơ quan chủ quản và nhà xuất bản bảo đảm kinh phí hằng năm ít nhất 05 tỷ đồng để bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản đã được bãi bỏ.
Ngoài ra, Nghị định 150 cũng đã bãi bỏ một số điều kiện về thiết bị, công nghệ để xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử như: (i) có máy chủ đặt tại Việt Nam, máy tính và các thiết bị khác để phục vụ mục đích xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử trên mạng Internet; (ii) có thiết bị, phần mềm phục vụ việc thiết kế, dàn trang, ghi dữ liệu trên các phương tiên điện tử; (iii) có thiết bị truyền phát xuất bản phẩm điện tử được số hóa sau khi được biên tập, định dạng và lưu trữ trên các phương tiện điện tử; (iv) có thiết bị, giải pháp kỹ thuật phòng, chống vi – rút v.v.
Cũng theo quy định mới, nhà đăng ký tên miền “.vn” và nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam không cần phải đăng ký kinh doanh dịch vụ tên miền trước khi cung cấp dịch vụ.