A. GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ
1. Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 22/06/2023 (“Luật GDĐT”)
“Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển đổi sang môi trường số trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực”
Đóng vai trò là khung pháp lý quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số đất nước, Luật GDĐT được ban hành không chỉ với mục tiêu tháo gỡ khó khăn từ quy định cũ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch được thực hiện trên môi trường số và tối ưu hóa việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. Dưới đây là một số điểm mới đáng chú ý của Luật này:
Đầu tiên, Luật GDĐT cho phép việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu (tức bản điện tử) khi đáp ứng được các yêu cầu luật định. Điều này góp phần tạo ra sự linh hoạt và rút ngắn thời gian xử lý cho các giao dịch hoặc dịch vụ trực tuyến bởi có thể thực hiện toàn bộ quy trình bằng phương tiện điện tử.
Ngoài ra, chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số cũng được khẳng định có giá trị tương đương chữ ký của cá nhân trong văn bản giấy; đồng thời các quy định liên quan đến công nhận, sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài cũng được bổ sung chi tiết hơn tại Luật GDĐT; điều này được kỳ vọng có thể thúc đẩy giao dịch xuyên biên giới giữa các tổ chức, cá nhân và giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí trung gian.
So với Luật GDĐT 2005, Luật GDĐT mới đã bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, điển hình như giả mạo, làm sai lệch hoặc phát tán, kinh doanh trái phép thông điệp dữ liệu giúp phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn vi phạm.
Nhìn chung, Luật GDĐT khi có hiệu lực thi hành sẽ mang đến nhiều tác động tích cực cho cá nhân cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, rà soát và điều chỉnh các quy trình nội bộ, hệ thống có liên quan để có thể nhanh chóng đáp ứng các điều kiện về tuân thủ pháp luật giao dịch điện tử của nước ta.
B. DỊCH VỤ THANH TOÁN
2. Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/05/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (“Nghị định 52”)
“Cải thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt”
Hiện nay, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang trở nên phổ biến và có sự tăng trưởng mạnh, từ đó thị trường cũng đặt ra nhiều yêu cầu về một cơ chế pháp lý chặt chẽ và chi tiết hơn để điều chỉnh hoạt động này. Nghị định 52 được ban hành để giải quyết các yêu cầu và thách thức nêu trên cũng như nhằm tạo ra một môi trường thanh toán an toàn, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, mặc dù đã xuất hiện từ lâu nhưng bản chất pháp lý của tiền điện tử vẫn chưa được làm rõ, đến nay Nghị định 52 đã chính thức có quy định về khái niệm và bản chất của loại hình này, đồng thời quy định rõ phương tiện dùng để lưu trữ tiền điện tử bao gồm ví điện tử và thẻ trả trước. Về đối tượng cung ứng, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước; còn tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thì chỉ được phép cung ứng dịch vụ ví điện tử có liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng.
Đặc biệt, Nghị định 52 có những quy định cực kỳ chi tiết và chặt chẽ nhằm điều chỉnh dịch vụ trung gian thanh toán so với quy định cũ, điển hình là việc bổ sung thêm một số loại hình được công nhận là dịch vụ trung gian thanh toán (như dịch vụ chuyển mạch tài chính, hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ cổng thanh toán điện tử…) và loạt điều kiện chi tiết để có thể tham gia cung ứng loại hình dịch vụ này (như điều kiện về giấy phép, vốn điều lệ, nhân sự chủ chốt, kỹ thuật đặc thù…). Cần chú ý rằng các điều kiện này phải được đáp ứng và duy trì đầy đủ trong suốt quá trình cung ứng dịch vụ.
Với phạm vi ảnh hưởng rộng rãi, Nghị định 52 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng sâu rộng, tạo ra các sản phẩm thanh toán an toàn, tiện lợi và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong bối cảnh hiện đại hóa đất nước.
3. Thông tư số 17/2024/TT-NHNN ngày 28/06/2024 của Ngân hàng nhà nước quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (“Thông tư 17”)
“Cần xác thực sinh trắc học để thực hiện giao dịch trên phương tiện điện tử”
Thông tư 17 được Ngân hàng nhà nước (“NHNN”) ban hành trên cơ sở Nghị định 52. Các điểm mới đáng chú ý của Thông tư 17 tập trung ở việc thắt chặt hành lang pháp lý khi thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán (“TKTT”).
Theo đó, khi mở TKTT bằng phương tiện điện tử, Thông tư 17 quy định ngân hàng phải thực hiện đối chiếu khớp đúng thông tin sinh trắc học của chủ TKTT (nếu là khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (nếu là khách hàng tổ chức) với dữ liệu sinh trắc học (i) được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân, hoặc (ii) được thu thập và kiểm tra.
Tương tự, trong quá trình sử dụng TKTT, Thông tư 17 bổ sung quy định chỉ được rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên TKTT khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (nếu là khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (nếu là khách hàng tổ chức). Quy định này áp dụng cho TKTT của cá nhân kể từ ngày 01/01/2025, của tổ chức kể từ ngày 01/07/2025. Đến những mốc thời điểm này, nếu khách hàng chưa đăng ký thông tin sinh trắc học sẽ phải trực tiếp đến ngân hàng để thực hiện giao dịch mà không còn được thực hiện trực tuyến như trước.
Do đó, các cá nhân, tổ chức cần lưu ý quy trình và trách nhiệm cung cấp dữ liệu sinh trắc học để thực hiện kịp thời, nhằm tránh gián đoạn trong việc mở và sử dụng các TKTT của mình.
C. THUẾ
4. Nghị định số 64/2024/NĐ-CP ngày 17/06/2024 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024 (“Nghị định 64”)
“Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế trong năm 2024”
Theo Nghị định 64, kể từ ngày 17/6/2024 đến ngày 31/12/2024, một số đối tượng sẽ được gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (“GTGT”), thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”), thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) và tiền thuê đất với những mốc thời gian nhất định. Thông tin chi tiết được tóm lược như sau:
Việc gia hạn không được áp dụng cho tất cả người nộp thuế, mà chỉ là những đối tượng có hoạt động trong những ngành kinh tế nhất định. Ví dụ, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng, thoát nước và xử lý nước thải,….hoặc có hoạt động kinh doanh trong ngành vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục và đào tạo, kinh doanh bất động sản….
Thời gian gia hạn cụ thể như sau:
- đối với thuế GTGT (trừ thuế GTGT nhập khẩu): được gia hạn từ 02 tháng đến 05 tháng tùy trường hợp và được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế.
Cần lưu ý rằng các doanh nghiệp, tổ chức được gia hạn vẫn phải kê khai và nộp Tờ khai thuế GTGT tháng, quý mặc dù chưa cần nộp số thuế phải nộp theo thông tin kê khai.
- đối với thuế TNDN: được gia hạn 03 tháng đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý II kỳ tính thuế TNDN năm 2024.
- đối với thuế GTGT, thuế TNCN của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh: được gia hạn đến ngày 30/12/2024 đối với số tiền thuế phải nộp phát sinh năm 2024.
- đối với tiền thuê đất: được gia hạn 02 tháng kể từ ngày 31/10/2024 đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2024 của các đối tượng đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.
Các đối tượng được gia hạn cần lưu ý các thông tin nêu trên và thu xếp nguồn tài chính phù hợp để có thể tận dụng được các điểm thuận lợi từ chính sách này.