1. LUẬT AN NINH MẠNG 2018
“Luật an ninh mạng lần đầu được áp dụng“
Luật An ninh mạng 2018 đã được Quốc Hội thông qua ngày 12/06/2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Theo đó, Luật An ninh mạng 2018 quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật này góp phần bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, Luật An ninh mạng quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, như:
- Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước;
- Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;
- Đăng tải, phát tán thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
Đăng tải, phát tán thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác v.v.
2. NGHỊ ĐỊNH 157/2018/ND-CP
“Tăng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2019“
Nghị định số 157/2018/NĐ-CP (“Nghị định 157”) ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, thay thế Nghị định số 141/2017/NĐ-CP (“Nghị định 141”).
So với Nghị định 141, Nghị định 157 quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cụ thể như sau:
- Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;
- Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;
- Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;
Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
3. THÔNG TƯ 43/2018/TT-BCT
“Thay đổi một số quy định về quản lý an toàn thực phẩm”
Thông tư sô 43/2018/TT-BCT (“Thông tư 43”) ngày 15/11/2018 của Bộ Công thương về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, thay thế Thông tư số 28/2013/TT-BCT và Thông tư số 58/2014/TT-BCT.
Theo Thông tư 43, khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, doanh nghiệp không cần nộp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong hồ sơ đề nghị cấp như quy định trước đây.
Thông tư 43 đã bổ sung một số trường hợp cấp giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương gồm:
- Cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh tại cùng một địa điểm có công suất thiết kế theo Thông tư này;
- Cơ sở kinh doanh thực phẩm (trừ chuỗi siêu thị mini, chuỗi cửa hàng tiện lợi có diện tích tương đương siêu thị mini), cơ sở bán buôn thực phẩm trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên và có sản xuất thực phẩm với công suất thiết kế nhỏ hơn quy định; và
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 02 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên có quy mô sản xuất sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương theo về công suất thiết kế được quy định tại Thông tư 43.
4. THÔNG TƯ 17/2018/TT-BLĐTBXH
“Doanh nghiệp phải tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động ít nhất 01 lần/năm“
Thông tư số 17/2018/TT-BLĐTBXH (“Thông tư 17”) ngày 17/10/2018 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, thay thế Quyết định số 02/QĐ-BLĐTBXH.
Thông tư 17 đã quy định mới hoàn toàn về việc yêu cầu doanh nghiệp phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ cở của mình ít nhất một (01) lần trong năm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ. Theo đó, doanh nghiệp tự quyết định thời gian kiểm tra và thời kỳ kiểm tra tính từ ngày đầu tiên của tháng một dương lịch của năm đến trước thời điểm kiểm tra.
Nội dung kiểm tra bao gồm một số các vấn đề như: tuyển dụng và đào tạo lao động; giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; thời giờ làm việc và nghỉ ngơi; trả lương; việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và một số nội dung khác. Doanh nghiệp phối hợp với đại diện tập thể lao động thực hiện báo cáo kết quả tự kiểm tra trực tuyến khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Thanh tra nhà nước về lao động; cơ sở sử dụng lao động, đơn vị thi công tại địa phương phải báo cáo trực uyến với cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp và với Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
5. THÔNG TƯ 15/2018/TT-BTTTT
“Quy định mới về việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông“
Thông tư số 15/2018/TT-BTTTT (“Thông tư 15”) ngày 15/11/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 30/2011/TT-BTTT quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Thông tư 15 đã quy định một cách cụ thể việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo 02 phương thức:
- Thử nghiệm mẫu điển hình: áp dụng đối với sản phẩm sản xuất trong nước của các đơn vị đã có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm và sản phẩm nhập khẩu.
- Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất: áp dụng đối với sản phẩm sản xuất trong nước của các đơn vị chưa có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.
Đồng thời Thông tư 15 đã thay đổi biện pháp công bố hợp quy cụ thể như sau:
- Đối với sản phẩm, hàng hóa bắt buộc phải công bố hợp quy thì tổ chức, cá nhân phải công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân hoặc kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy hoặc tổ chức chứng nhận được thừa nhận theo quy định pháp luật, thay vì phải thực hiện việc đăng ký Bản công bố hợp quy sau khi tự đánh giá sự phù hợp dựa trên cơ sở kết quả đo kiểm sản phẩm của đơn vị đo kiểm như quy định trước đây.
- Đối với sản phẩm, hàng hóa bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy thì tổ chức, cá nhân công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy hoặc tổ chức chứng nhận được thừa nhận theo quy định pháp luật, thay vì phải đăng ký Bản công bố hợp quy sau khi có Giấy chứng nhận hợp quy được cấp bởi Tổ chức chứng nhận hợp quy như quy định trước đây.