I. LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM, LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ SỬA ĐỔI 2019
Nhằm đảm bảo thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 theo trình tự, thủ tục rút gọn, có hiệu lực ngày 01/11/2019, trừ một số quy định về sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 (khoản 4 Điều 3).
1. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Trong Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi lần này, Quốc hội bổ sung một loại hình kinh doanh bảo hiểm mới đó là dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Dịch vụ này bao gồm 05 hoạt động: (1) tư vấn bảo hiểm; (2) đánh giá rủi ro bảo hiểm; (3) tính toán bảo hiểm, (4) giám định tổn thất bảo hiểm; (5) hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sẽ được bổ sung vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Việc bổ sung trên đã tạo hành lang pháp lý cho việc mở cửa thị trường bảo hiểm một cách chủ động; giảm thiểu rủi ro; đề phòng hạn chế tổn thất; hạn chế gian lận bảo hiểm; chi trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ, qua đó bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
2. Chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu không được sử dụng liên tục 5 năm
Các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ trong Luật này tập trung vào 5 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: (1) cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; (2) sáng chế; (3) nhãn hiệu; (4) chỉ dẫn địa lý; và (5) bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, từ nay đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp không chỉ được nộp dưới hình thức văn bản ở dạng giấy như trước đây cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp mà còn dưới hình thức điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ.
Đối với sáng chế, thời hạn được hưởng ngoại lệ không bị coi là mất tính mới được kéo dài từ 6 tháng lên 12 tháng và Giải pháp kỹ thuật là sáng chế được bộc lộ thuộc trường hợp ngoại lệ về tính mới này cũng không được lấy làm cơ sở để đánh giá trình độ sáng tạo của sáng chế đó.
Đối với nhãn hiệu, bổ sung quy định việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu và chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu, trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ 5 năm trở lên thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực. Về đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý, Luật mới quy định chi tiết căn cứ xác định tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa là trên cơ sở nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, quy định về việc xử lý đề nghị quốc tế về chỉ dẫn địa lý cũng được bổ sung trong Luật mới này.
II. NGHỊ ĐỊNH 75/2019/NĐ-CP
“Những quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh”
Nghị định 75/2019/NĐ-CP (“Nghị định 75”) do Chính phủ ban hành ngày 26/09/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh có hiệu lực từ ngày 01/12/2019 thay thế Nghị định 71/2014/NĐ-CP.
Về hình thức xử lý vi phạm, Nghị định 75 đã bổ sung mới một hình thức xử phạt bổ sung đó là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm của tổ chức, cá nhân. Còn đối với biện pháp khắc phục hậu quả, Nghi định 75 đã mở rộng về phần chủ thể bị áp dụng bao gồm cả tổ chức và cá nhân chứ không chỉ là tổ chức như quy định trước đây. Ngoài ra, trong Nghị định 75 cũng quy định rõ việc cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh sẽ phải chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Về mức phạt tiền tối đa, đối với tổ chức có hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh, so với trước đây Nghị định 75 đã nâng mức phạt tối đa lên gấp 10 lần tương đương với 2.000 000.000 đồng, còn đối với tổ chức có hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền Nghị định 75 cũng đã quy định cụ thể mức phạt tối đa sẽ là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất được quy định trong Bộ luật Hình sự, hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế sẽ là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Theo quy định mới, nếu doanh thu của doanh nghiệp trong năm tài chính được xác định bằng 0, áp dụng mức phạt từ 100.000.000đ đến 200.000.000đ.
Bên cạnh đó, Nghị định 75 đã bổ sung hành vi vi phạm và mức phạt tiền đối với hành vi cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh. Trước đây, Nghị định 71 không quy định về vấn đề này. Ngoài ra , Nghị định 75 còn nêu chi tiết các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ (trước đây được quy định tại Điều 85 Nghị định 116/2005/NĐ-CP) làm cho việc áp dụng xử lý thuận tiện hơn so với quy định trước đây.
III. NGHỊ ĐỊNH 74/2019/NĐ-CP
“Tăng mức vay tối đa lên đến 02 tỷ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và 100 triệu đồng/người lao động”
Nghị định 74/2019/NĐ-CP (“Nghị định 74”) của Chính phủ ban hành ngày 23/09/2019 sửa đổi Nghị định 61/2015/NĐ-CP (“Nghị định 61”) quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, có hiệu lực ngày 08/11/2019.
Trước đây, Nghị định 61 quy định đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 01 tỷ đồng/dự án và không quá 50 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm. Nghi định 74 đã nâng mức vay tối đa đối với cơ sở sản xuất kinh doanh lên 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng, cao hơn 50 triệu đồng so với trước đây. Về thời hạn vay tối đa cũng được Nghị định 74 cho phép kéo dài hơn đến 10 năm, trong khi trước đây thời hạn vay tối đa chỉ được 5 năm. Về điều kiện bảo đảm tiền vay, hiện nay Nghị định 74 quy định đối với khoản vay từ 100 triệu đồng trở lên cơ sở sản xuất, kinh doanh mới buộc phải có tài sản bảo đảm tiền vay, không như trước đây Nghị định 61 yêu cầu ở mức vay từ 50 triệu các cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải có tài sản bảo đảm. Còn đối với người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì mức vay phải có tài sản cũng là từ 100 triệu đồng trở lên thay vì mức 50 triệu đồng theo quy định trước đây.
IV. NGHỊ ĐỊNH 77/2019/NĐ-CP
“Một số quy định mới về tổ hợp tác”
Nghị định 77/2019/NĐ-CP (“Nghị định 77”) của Chính phủ ngày 10/10/2019 thay thế Nghị định 151/2007/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác có hiệu lực ngày 25/11/2019.
Nghị định 77 có một số điểm mới như sau:
- Quy định rõ tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân; các doanh nghiệp, tổ chức được quyền tham gia tổ hợp tác thay vì chỉ có cá nhân như quy định trước đây;
- Tổ hợp tác hoạt động trên cơ sở hợp đồng hợp tác, tổ trưởng tổ hợp tác chỉ cần gửi thông báo về việc thành lập tổ hợp tác đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ hợp tác thành lập. Ủy ban nhân dân cấp xã lập sổ theo dõi và cập nhật các thay đổi, biến động của tổ hợp tác; thay vì hợp đồng phải có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã như quy định trước đây;
- Đồng thời, tổ hợp tác được thành lập khi có từ 2 thành viên là cá nhân, tổ chức, thay vì từ 3 cá nhân như quy định trước đây.
Những điểm mới này tạo điều kiện cho tổ hợp tác hoạt động như một đơn vị kinh tế độc lập, không còn quá phụ thuộc vào Ủy ban nhân dân cấp xã như trước đây, mở ra cơ hội cho các tổ hợp tác nâng cao vị thế của mình, thu hút doanh nghiệp, hộ gia đình, các tổ chức khác cùng tham gia hoạt động.
V. NGHỊ ĐỊNH 80/2019/NĐ-CP
“Bên cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sẽ bị xử phạt nếu làm lộ thông tin khách hàng”
Nghị định 80/2019/NĐ-CP (“Nghị định 80”) ngày 01/11/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, có hiệu lực từ ngày 01/11/2019.
Theo đó, Nghị định 80 bổ sung thêm chương riêng quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, gồm: điều kiện văn bằng, chứng chỉ, tiêu chuẩn đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm. Về bí mật thông tin khách hàng, Nghị định 80 cũng đã bổ sung quy định về mức phạt đối với hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong việc không giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng sai mục đích hoặc cung cấp thông tin cho bên thứ ba mà không được sự đồng ý của khách hàng sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.
VI. THÔNG TƯ 68/2019/TT-BTC
“Từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử”
Thông tư 68/2019/TT-BTC (“Thông tư 68”) hướng dẫn thực hiện Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 14/11/2019.
Thứ nhất, về thời điểm áp dụng, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử (“HĐĐT”) kể từ ngày 01/11/2020.
Thứ hai, về thời điểm lập HĐĐT, (i) đối với bán hàng hóa: thời điểm lập HĐĐT là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền; (ii) đối với cung cấp dịch vụ: thời điểm lập HĐĐT là thời điểm hoàn thanh việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền; (iii) trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
Thứ ba, về nội dung của HĐĐT thì cơ bản giống với nội dung hóa đơn giấy tại Thông tư 39/2014/TT-BTC và có bổ sung thêm chỉ tiêu: mã của cơ quan thuế (CQT) đối với HĐĐT có mã của CQT; phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và nội dung khác liên quan (nếu có).
Thông tư 68 có quy định rõ về 07 trường hợp HĐĐT không cần có đầy đủ các nội dung: (1) HĐĐT bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh; (2) HĐĐT bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh; (3) HĐĐT là tem, vé, thẻ; (4) Chứng từ điện tử dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử được lập theo thông lệ quốc tế cho người mua là cá nhân không kinh doanh được xác định là HĐĐT; (5) hóa đơn của hoạt động xây dựng, lắp đặt; hoạt động xây nhà để bán có thu tiền theo tiến độ theo hợp đồng; (6) phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử; (7) hóa đơn sử dụng cho thanh toán Interline giữa các hãng hàng không được lập theo quy định của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế. Mặc dù, việc sử dụng HĐĐT còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhưng không thể phủ nhận những lợi ích mà nó mang lại như: tiết kiệm chi phí; thời gian giao, nhận hóa đơn nhanh chóng; có độ an toàn, chính xác cao; không phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn…
VII. THÔNG TƯ 62/2019/TT-BTC
“Quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương”
Thông tư số 62/2019/TT-BTC (“Thông tư 62”) ngày 05/9/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2018/TT-BTC ngày 20/2/2018 quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 21/10/2019.
Tại Thông tư 62 này, điểm mới đáng lưu ý nhất đó là Chính phủ đã bổ sung quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây gọi là Hiệp định CPTPP).
Theo đó, trong quá trình làm thủ tục các đơn vị cần lưu ý đến thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhập khẩu người khai hải quan phải nộp cho cơ quan Hải quan một trong các loại chứng từ sau để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt: Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (01 bản chính); Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu (01 bản chính).
Trường hợp chưa kê khai để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhập khẩu, để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, người khai hải quan phải khai rõ xuất xứ hàng hóa và khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan; Khai bổ sung và nộp 1 bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Về thủ tục xử lý số tiền thuế nộp thừa được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Bên cạnh đó, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP phải có đủ 09 thông tin tối thiểu theo quy định tại Thông tư 62 và phải được cấp ở dạng văn bản giấy hoặc bản điện tử. Trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không sử dụng tiếng Anh, người khai hải quan phải dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh và chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch. Trong việc áp dụng Thông tư 62, một điểm đáng lưu ý là đối với các tờ khai hải quan nhập khẩu, xuất khẩu đã đăng ký từ ngày 14/01/2019 đến trước ngày Thông tư có hiệu lực được áp dụng các quy định về xuất xứ, thuế suất theo Hiệp định CPTPP, Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 của Chính phủ ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2019 – 2022 và khoản 4 Điều 1 Thông tư này, trừ điều kiện phải khai số tham chiếu, ngày cấp hoặc khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu. Người khai hải quan có số tiền thuế nộp thừa gửi văn bản đề nghị cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được xử lý theo quy định.