Bên cạnh Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cũng là nền tảng pháp lý quan trọng hoạt động kinh doanh, giúp định hướng cho hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư (“NĐT“) trong và ngoài nước. Luật Đầu tư mới được sửa đổi và thông qua không chỉ nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mà còn đảm bảo tăng trưởng kinh tế quốc gia bền vững, dung hòa các vấn đề xã hội và môi trường.
Bài viết này hướng đến việc cung cấp cho Quý khách hàng cái nhìn tổng quan về những điểm mới của Luật Đầu tư năm 2020 (“LĐT 2020”) vừa mới ban hành, cũng như những hệ quả pháp lý từ những đổi mới này đối với các NĐT và thị trường đầu tư Việt Nam trong thời gian tới.
I. VỀ LĨNH VỰC, NGÀNH, NGHỀ ĐẦU TƯ
1.1 Loại bỏ các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư
Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (“PPP”) là một trong những hình thức đầu tư được ghi nhận trong LĐT 2014. Theo đó, PPP là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và NĐT, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Trên thực tế, đây là một hình thức đầu tư vĩ mô và dài hạn, tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý cho hình thức này vẫn chỉ dừng ở mức Nghị định, dẫn đến việc thực hiện các dự án này gặp nhiều vướng mắc và bất cập.
Chính vì vậy, Nhà nước đã ban hành một chế định riêng về PPP (Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020) và loại bỏ các quy định liên quan đến lĩnh vực này tại LĐT 2020. Sự thay đổi trên là một bước ngoặt lớn, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh theo mô hình PPP như đảm bảo chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước với NĐT, đảm bảo tài sản thanh toán cho dự án đầu tư theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT)… Đồng thời, tạo ra khuôn khổ pháp lý chung, có hiệu lực cao hơn cho việc thực hiện các dự án PPP, xây môi trường pháp lý ổn định cho các doanh nghiệp tư nhân (“DNTN”) khi tham gia vào các dự án này.
1.2 Cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê
So với LĐT 2014 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, LĐT 2020 đã chuyển dịch vụ đòi nợ thuê vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Theo đó, những giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày LĐT 2020 có hiệu lực sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ LĐT 2020 có hiệu lực và các bên có nghĩa vụ thanh lý các giao dịch này.
Có thể thấy, việc sửa đổi này đã tạo một hành lang pháp lý nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh “sạch”, tránh trường hợp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này sử dụng những cách thức không đúng quy định pháp luật gây ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội.
1.3 Giảm số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Hiện hành, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm 243 ngành, nghề. Tuy nhiên, LĐT 2020 sẽ giữ lại 227 ngành, nghề và cắt giảm 16 ngành, nghề như dịch vụ logistics, nhượng quyền thương mại, dịch vụ giám định thương mại, hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại, dịch vụ mua bán nợ, v.v.
Việc giảm số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nêu trên nhằm loại bỏ những ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý; hạn chế tác động cản trở quá trình gia nhập thị trường của các NĐT/NĐT tiềm năng trong và ngoài nước.
1.4 Ban hành Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài
So với LĐT 2014, LĐT 2020 đã bổ sung các ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường với NĐT nước ngoài, tạo ra sự phân hóa giữa về hoạt động kinh doanh trong một số lĩnh vực giữa các NĐT trong và ngoài nước, nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi trong các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài bao gồm: (1) ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường; và (2) ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
1.5 Quy định các ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài có điều kiện
LĐT 2014 không quy định cụ thể các ngành, nghề kinh doanh mà các NĐT trong nước không được tiến hành đầu tư ra nước ngoài hoặc đầu tư có điều kiện mà sẽ tùy thuộc vào quyết định chủ trương của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền. Đến LĐT 2020 đã quy định các ngành, nghề không được phép đầu tư ra nước ngoài, gồm:
- Các ngành nghề bị cấm đầu tư tại Việt Nam (danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh);
- Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương; và
- Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Ngoài ra, LĐT 2020 cũng quy định các ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, gồm: ngân hàng; bảo hiểm; chứng khoán; báo chí, phát thanh, truyền hình; và kinh doanh bất động sản. Các điều kiện cụ thể sẽ được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành và các điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên.
Có thể thấy, bên cạnh bảo đảm quyền tự do kinh doanh của NĐT trong những ngành, nghề mà luật không cấm, việc quy định thêm các ngành, nghề kinh doanh cấm đầu tư ra nước ngoài và đầu ra nước ngoài có điều kiện trên đã bổ sung, hoàn thiện các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, giúp cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.
II. VỀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ
2.1 Bổ sung thêm ngành, nghề được hưởng ưu đãi đầu tư
Bên cạnh những ngành, nghề được hưởng ưu đãi đầu tư theo LĐT 2014, LĐT 2020 đã bổ sung thêm một số ngành, nghề được hưởng ưu đãi đầu tư, bao gồm (1) giáo dục đại học; (2) sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; (3) sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; (4) bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế; và (5) sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
Theo đó, sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành được bổ sung vào ngành, nghề hưởng ưu đãi đầu tư đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2.2 Tăng hình thức ưu đãi đầu tư
Việt Nam hiện nay luôn khuyến khích hoạt động đầu tư trong nước với mục đích phát triển kinh tế đất nước, giải quyết vấn đề việc làm cho người dân. Do đó, ngoài các hình thức ưu đãi đầu tư được quy định tại LĐT 2014, LĐT 2020 đã bổ sung thêm quy phạm “Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế” là một hình thức ưu đãi đầu tư mới. Theo đó, khấu hao nhanh có thể được hiểu là việc định giá, tính toán, phân bổ một cách có hệ thống giá trị của tài sản do sự hao mòn tài sản sau một khoảng thời gian sử dụng, được áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có công nghệ đòi hỏi phải thay đổi, phát triển nhanh. Như vậy, hình thức ưu đãi mới này rất có ý nghĩa đối với những nhà đầu tư là tổ chức kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ cao, có hàm lượng khoa học lớn, có tài sản cố định là những trang thiết bị, máy móc tiên tiến.
Trên thực tế, mối tương quan giữa ưu đãi đầu tư và quyết định đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là tỷ lệ thuận; do đó, việc tăng hình thức ưu đãi chính là quy định nhằm tích cực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, xây dựng môi trường đầu tư hiệu quả, năng động và giàu tiềm năng.
2.3 Mở rộng nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư
Để thu hút các NĐT nước ngoài, bên cạnh việc tăng thêm hình thức ưu đãi, LĐT 2020 đã mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, tăng khả năng tiếp cận của NĐT nước ngoài với thị trường Việt Nam. Theo đó, nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư tăng từ năm (05) nhóm lên thành bảy (07) nhóm. Trong đó, hai (02) nhóm mới được bổ sung là, (1) dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển; và (2) đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2.4 Thay đổi về chính sách ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư đặc biệt
LĐT 2020 đã bổ sung quy định về thẩm quyền Chính phủ quyết định áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội như sau:
- Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (“GCN ĐKĐT”) hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; và
- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp GCN ĐKĐT hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trên không áp dụng đối với:
- Dự án đầu tư đã được cấp GCNĐKĐT hoặc quyết định chủ trương đầu tư trước ngày LĐT 2020 có hiệu lực thi hành; và
- Dự án đầu tư khai thác khoáng sản, xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở, và sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ dự án sản xuất ô tô, tàu bay, du thuyền).
Bên cạnh đó, trong trường hợp cần khuyến khích phát triển một dự án đầu tư đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Chính phủ trình Quốc hội quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại LĐT 2020 và các luật khác.
Ngoài ra, kể từ khi LĐT 2020 có hiệu lực, sẽ không còn quy định mức trần của chính sách ưu đãi đầu tư mà mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt sẽ thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và đất đai nhằm hạn chế sự chồng chéo pháp luật và tạo cơ chế, chính sách đủ sức thu hút dòng vốn FDI cho thị trường đầu tư Việt Nam.
III. VỀ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
3.1 Bổ sung điều kiện thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam của NĐT nước ngoài
Ngoài các điều kiện đã được quy định trong LĐT 2014, LĐT mới quy định, khi thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam, NĐT nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường được quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài (đã trình bày tại Mục 1.4) và phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh GCN ĐKĐT.
Tuy nhiên, khi thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, NĐT nước ngoài không cần phải thực hiện thủ tục cấp GCNĐKĐT trước khi tiến hành dự án đầu tư. Quy định này nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư từ NĐT nước ngoài, đảm bảo môi trường đầu tư năng động và hiệu quả.
3.2 Sửa đổi điều kiện để NĐT nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế tại Việt Nam
Theo quy định của LĐT 2020, khi tiến hành góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
Việc bổ sung những quy định hoàn toàn mới này nhằm hạn chế việc NĐT nước ngoài tiến hành thâu tóm hoặc nắm giữ cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trong yếu hoặc nắm giữ tài sản quan trọng của quốc gia như bất động sản.
3.3 Giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của NĐT nước ngoài trong tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đầu tư
Theo LĐT 2020, nếu thuộc các trường hợp dưới đây thì phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với NĐT nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, cụ thể:
- Có NĐT nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
- Có tổ chức kinh tế có NĐT nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; và
- Có NĐT nước ngoài và tổ chức kinh tế có NĐT nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Việc giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của NĐT nước ngoài trong tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đầu tư từ 51% xuống còn 50% nhằm bảo đảm sự quản lý phù hợp của nhà nước đối với những tổ chức kinh tế có yếu tố nước ngoài, dung hòa quyền lợi và nghĩa vụ giữa các tổ chức kinh tế có yếu tố nước ngoài với các tổ chức kinh tế thuộc các thành phần khác.
IV. VỀ THỦ TỤC ĐẦU TƯ
4.1 Thay đổi cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư
Theo LĐT 2014, cho dù là dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ hay dự án không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư thì NĐT đều có nghĩa vụ nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư (thường là Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh).
Tuy nhiên, LĐT 2020 đã phân cấp quản lý rõ ràng đối với các loại dự án. Theo đó, khi thực hiện dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ, NĐT phải nộp hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cấp trung ương) góp phần khắc phục những bất cập đang là điểm nghẽn đối với môi trường kinh doanh do những khó khăn về xử lý thủ tục hành chính, đảm bảo quá trình đầu tư diễn ra thuận lợi hơn.
4.2 Sửa đổi điều kiện cấp GCN ĐKĐT đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư
LĐT 2020 đã bổ sung quy định cụ thể về điều kiện cấp GCNĐKĐT đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, tạo cơ chế pháp lý rõ ràng để NĐT tuân thủ khi tiến hành các dự án đầu tư thuộc diện này. Cụ thể:
- Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
- Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
- Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật Đầu tư 2020;
- Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có); và
- Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài.
4.3 Cắt giảm trường hợp NĐT không cần ký quỹ khi thực hiện dự án đầu tư
Để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, pháp luật đầu tư yêu cầu NĐT phải thực hiện biện pháp bảo đảm là ký quỹ. Với mục tiêu giảm bớt gánh nặng tài chính cho NĐT và tăng thêm nguồn lực để tiến hành dự án, LĐT 2014 đã quy định về các trường hợp mà NĐT không cần phải ký quỹ. Tuy nhiên, dựa trên sự cân bằng quyền lợi giữa các NĐT thực hiện dự án và nhằm đảm bảo tính pháp lý khi thực hiện dự án đầu tư, LĐT 2020 đã cắt giảm một (01) trường hợp NĐT không cần phải ký quỹ là NĐT là đơn vị sự nghiệp có thu, công ty phát triển khu công nghệ cao được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng trong khu kinh tế. Theo đó, những NĐT này khi thực hiện Dự án đầu tư thì vẫn phải thực hiện ký quỹ theo đúng quy định pháp luật.
Có thể thấy, LĐT 2020 đã dần tháo gỡ những vướng mắc của việc thi hành các quy định cũ; bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; đơn giản hóa những thủ tục đầu tư; bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư; đồng thời, có những thay đổi về ngành, nghề kinh doanh và ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.