I. NGHỊ QUYẾT 17/2022/UBTVQH15
Mở rộng các trường hợp được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm và tối đa 60 giờ trong 01 tháng
Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 (”Nghị quyết 17”) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 23/03/2022 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, có hiệu lực từ ngày 01/04/2022, riêng khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 17 quy định về giới hạn số giờ làm thêm có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2022, nếu người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động (“NLĐ”) thì được sử dụng NLĐ làm thêm từ 200 đến không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ một số đối tượng NLĐ đặc biệt như: NLĐ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; NLĐ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; v.v
Tuy nhiên, quy định nêu trên lại không được áp dụng đối với các ngành, nghề ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;
- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
- Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;
- Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;
Bên cạnh đó, kể từ ngày 01/04/2022, khi NSDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì cũng được sử dụng NLĐ làm thêm trên 40 giờ nhưng không được quá 60 giờ trong 01 tháng.
Qua đó có thể thấy rằng việc ban hành Nghị quyết 17 là cần thiết trong bổi cảnh hậu Covid để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động và ổn định thu nhập của người dân sau thời gian nghỉ dài vì đại dịch. Chính sách nâng trần thời gian làm thêm giờ theo Nghị quyết 17 đảm bảo hài hòa lợi ích trước mắt về kinh tế của doanh nghiệp, của xã hội và lợi ích lâu dài về sức khỏe của NLĐ.
Theo Hướng dẫn Số 1312/LĐTBXH-ATLĐ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các quy định của Nghị quyết số 17 được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022, trừ trường hợp Quốc hội quyết định kéo dài thời gian thực hiện.
II. NGHỊ ĐỊNH 31/2022/NĐ-CP
Hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
Nghị định 31/2022/NĐ-CP (“Nghị định 31”) do Chính Phủ ban hành ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, có hiệu lực từ ngày ban hành.
Theo đó, đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có mục đích sử dụng vốn vay thuộc các ngành: hàng không, vận tải kho bãi (H), du lịch (N79), dịch vụ lưu trú, ăn uống (I), giáo dục và đào tạo (P), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (A), công nghiệp chế biến, chế tạo (C), xuất bản phần mềm (J582), Lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan (J-62), hoạt động dịch vụ thông tin (J-63); trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế (L) theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg;
- Có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.
Mức lãi suất hỗ trợ cho những đối tượng nêu trên là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định.
Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023. Ngân hàng thương mại dừng hỗ trợ lãi suất sau thời điểm 31 tháng 12 năm 2023 hoặc khi hết nguồn kinh phí (hạn mức hỗ trợ lãi suất) được thông báo bởi Ngân hàng Nhà nước, tùy theo thời điểm nào đến trước.
Như vậy, việc ban hành quy định về việc hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh hậu Covid, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng trưởng trở lại, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
III. NGHỊ ĐỊNH 38/2022/NĐ-CP
Lần đầu tiên mức lương tối thiểu giờ được ấn định trên thực tế, hiệu lực từ 01/7/2022
Nghị định 38/2022/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (“Nghị định 38”), có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2022.
Theo hướng dẫn tại Nghị định 38, bên cạnh mức lương tối thiểu theo tháng được điều chỉnh theo hướng tăng còn bổ sung thêm mức lương tối thiểu theo giờ quy định cho 4 địa bàn vùng I, II, III, IV; cụ thể như sau:
VÙNG | Mức lương tối thiểu tháng(Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ(Đơn vị: đồng/giờ) |
VÙNG I | Từ 4.420.000 đến 4.680.000 | 22.500 |
VÙNG II | Từ 3.920.000 đến 4.160.000 | 20.000 |
VÙNG III | Từ 3.430.000 đến 3.640.000 | 17.500 |
VÙNG IV | Từ 3.070.000 đến 3.250.000 | 15.600 |
Như vậy, từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu tháng tăng từ 180.000 – 260.000 đồng/tháng, trong đó vùng I có mức tăng cao nhất và vùng IV có mức tăng thấp nhất. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng cần lưu ý thực hiện đúng theo mức lương tối thiểu giờ đã được ấn định đối với những người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ.
Bên cạnh đó, địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng cũng có sự thay đổi so với trước đây. Nghị định 38 điều chỉnh một số địa bàn thuộc các vùng I, II, III, IV như sau:
- Vùng I: Bổ sung thành phố Thủ Đức (do gộp từ Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).
- Các địa phương được chuyển từ vùng II lên vùng I: Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, huyện Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai.
- Các địa phương chuyển từ vùng III lên vùng II:
- Thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh;
- Thành phố Hòa Bình và Huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình;
- Thành phố Vinh, thị xã Cửa lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An;
- Thị xã Hòa Thành thuộc tỉnh Tây Ninh;
- Thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long;
- Thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu
- Các địa phương được chuyển từ vùng IV lên vùng III:
- Huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà thuộc tỉnh Quảng Ninh;
- Huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Đô Lương và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai thuộc tỉnh Nghệ An;
- Huyện Mang Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long;
- Huyện Hòa Bình thuộc tỉnh Bạc Liêu.
IV. THÔNG TƯ 06/2022/TT-BKHĐT
Ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, và/hoặc sử dụng nhiều lao động nữ
Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT (“Thông tư 06”) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 10/5/2022 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (“Nghị định 80”), có hiệu lực từ ngày 25/6/2022.
Nội dung được Thông tư 06 hướng dẫn liên quan đến việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (“DNNVV”) về công nghệ; tư vấn; phát triển nguồn nhân lực; khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và nội dung quản lý các hoạt động hỗ trợ DNNVV.
Thông tư 06 nêu rõ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ, DNNVV là doanh nghiệp xã hội; căn cứ vào tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định số 80 để lựa chọn xác định quy mô doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa, đảm bảo doanh nghiệp được hưởng mức hỗ trợ có lợi nhất.
Bên cạnh đó, theo quy định mới, chính sách ưu tiên DNNVV do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ đã được thể hiện rõ nét và toàn diện hơn.
Như vậy, nếu như trước đây các nội dung hỗ trợ cho DNNVV được thể hiện rải rác tại các Thông tư số 05/2019/TT-BKHĐT (hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực) và Thông tư số 06/2019/TT-BKHĐT (hướng dẫn hỗ trợ tư vấn cho DNNVV thông qua mạng lưới tư vấn viên) thì sự ra đời của Thông tư 06 đã cho thấy được tính tập trung, đồng bộ, thống nhất, bao quát được những vấn đề trọng yếu của các quy định hỗ trợ cho DNNVV; hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả thực thi Nghị định 80 trên thực tế.
V. THÔNG TƯ 23/2022/TT-BCA
Rút ngắn thời hạn gửi Quyết định xác minh nội dung khiếu nại trong Công an nhân dân
Thông tư 23/2022/TT-BCA (“Thông tư 23”) do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành ngày 16/5/2022 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân, có hiệu lực từ ngày 30/6/2022.
Việc xây dựng, ban hành Thông tư 23 nhằm cụ thể hóa Nghị định số 124/2020/NĐ-CP, đồng thời điều chỉnh, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Khiếu nại cũng như thay thế Thông tư 11/2015/TT-BCA(“Thông tư 11”) trước đây. Sau đây là một số điểm mới nổi bật của Thông tư 23:
Thứ nhất, thời hạn gửi Quyết định xác minh nội dung khiếu nại đến người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan được rút ngắn từ 10 ngày theo Thông tư 11 còn 07 ngày làm việc theo Thông tư 23, được tính kểtừ ngày ban hành quyết định xác minh nội dung khiếu nại.
Thứ hai, liên quan đến việc đình chỉ giải quyết khiếu nại, trong trường hợp người khiếu nại rút toàn bộ nội dung khiếu nại thì người giải quyết khiếu nại mới ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại, nếu chỉ rút một phần thì phải tiếp tục xem xét, giải quyết nội dung mà người khiếu nại không rút. Quy định phân chia việc rút toàn bộ một phần hay toàn bộ khiếu nại nêu trên tiến bộ và hiệu quả hơn so với quy định cũ.
Thứ ba, Thông tư 23 bổ sung mới quy định về gia hạn giải quyết khiếu nại trong trường hợp thời hạn giải quyết khiếu nại đã hết nhưng chưa hoàn thành xác minh.
Thứ tư, về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, Thông tư 23 bổ sung thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Trưởng Công an xã; Giám đốc trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Giám đốc trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, Trưởng đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; bổ sung thẩm quyền của Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Có thể thấy rằng Thông tư 23 khẳng định cho sự nỗ lực của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an trong việc giải đáp kịp thời những vướng mắc về công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân, qua đó góp phần quan trọng trong việc khắc phục và ngăn ngừa tình trạng vi phạm pháp luật, vượt cấp, vượt quyền.
VI. THÔNG TƯ 02/2022/TT-BKHĐT
Bổ sung trường hợp kiểm tra đột xuất hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT (“Thông tư 02”) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 14/02/2022 hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/04/2022.
Theo đó, quy định của Thông tư 02 được bố cục theo hướng tập trung vào hai (02) hoạt động cốt lõi là giám sát và đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài, trong đó nội dung giám sát bao gồm theo dõi và kiểm tra; tuy không có nhiều sự khác biệt so với quy định cũ nhưng cách bố cục mới này giúp làm rõ mục đích hướng đến của toàn bộ quy định và dễ tiếp cận hơn đối với những đối tượng có trách nhiệm thi hành.
So với quy định trước đây tại Thông tư 09/2016/TT-BKHĐT, Thông tư 02 bổ sung thêm trường hợp kiểm tra đột xuất hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đó là khi “có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và dự án có vốn đầu tư nước ngoài”.
Bên cạnh đó, cách thức kiểm tra được tối giản hơn, tập trung vào chỉ ba (03) cách thức thay vì sáu (06) cách thức như trước, cụ thể, tùy theo nội dung và tình hình thực tế, cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra theo các cách thức sau đây:
- Thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư;
- Thông qua báo cáo;
- Tổ chức đoàn kiểm tra, đoàn công tác.
Liên quan đến thời hạn báo cáo kết quả kiểm tra, Thông tư 02 nới rộng thời gian tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra của Trưởng đoàn kiểm tra hoặc đơn vị chủ trì kiểm tra là trong vòng hai mươi (20) ngày làm việc kể từ khi kết thúc kiểm tra thay vì mười (10) ngày làm việc như quy định cũ.
Có thể thấy, sự ra đời của Thông tư 02 đã giúp hành lang pháp lý trong lĩnh vực đầu tư ngày càng rõ ràng, thông suốt, đồng bộ với quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác; không chỉ giúp cơ quan nhà nước quản lý, giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn mà từ đó còn thúc đẩy, tạo động lực thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.