Nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi ngành du lịch Việt Nam, tạo đà thuận lợi cho lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản định hướng cho việc mở cửa du lịch trong giai đoạn bình thường mới, đặc biệt đối với du lịch quốc tế. Cụ thể, ngày 15/03/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân của một số quốc gia khi nhập cảnh (“Nghị quyết số 32”); Bộ Y tế cũng ban hành Công văn số 1265/BYT-DP hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh vào Việt Nam (“Công văn số 1265”), cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2022.
Theo Nghị quyết số 32 công dân của Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam, với thời hạn tạm trú mười lăm (15) ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh. Thời hạn miễn thị thực là ba (03) năm, từ ngày 15/03/2022 đến hết ngày 14/03/2025 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam
Bên cạnh đó, điều kiện phòng, chống COVID-19 đối với người nhập cảnh được Bộ Y tế hướng dẫn khá cụ thể tại Công văn số 1265 như sau:
1.Yêu cầu xét nghiệm:
1.1. Người nhập cảnh theo đường hàng không:
Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 02 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.
1.2. Nhập cảnh theo các đường khác (đường bộ, đường thủy, đường sắt):
Phải có xét nghiệm tương tự đối với nhập cảnh bằng đường hàng không. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2) kể từ khi nhập cảnh. Theo đó, nếu (i) kết quả xét nghiệm âm tính: được phép rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; và (ii) kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
1.3. Đối với trẻ dưới 02 tuổi:
Không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh và tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.
2. Yêu cầu thực hiện khai báo y tế và kiểm dịch y tế tại cửa khẩu
Người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo quy định. Ngoài ra, nếu có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 tại cửa khẩu, phải báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.
3. Yêu cầu theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng bệnh COVID-19
Trong vòng mười (10) ngày kể từ ngày nhập cảnh, người nhập cảnh phải tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2, cần thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn, quản lý kịp thời. Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
Đối với người chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi xuất cảnh: trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú, hạn chế dừng, đỗ dọc đường và tránh tiếp xúc gần với người xung quanh.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có “độ phủ” vắc xin COVID-19 khá cao, số ca bệnh nặng và tử vong vẫn đang được kiểm soát, chính vì vậy, việc ban hành chính sách miễn thị thực và các hướng dẫn về phòng, chống dịch cho người nhập cảnh là tất yếu, bám sát chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” trong lộ trình mở cửa du lịch quốc tế.
Trên thực tế, theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), chính sách thuận lợi cho thị thực nhập cảnh cùng hướng dẫn phòng dịch được ban hành kịp thời có thể tăng lượng khách du lịch quốc tế từ 05-25% mỗi năm. Theo đó, một số quốc gia trong khu vực ASEAN cũng đã áp dụng các chính sách tương tự, ví dụ: Thái Lan miễn thị thực du lịch cho công dân của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; Indonesia miễn thị thực cho hơn 60 quốc gia và đặc biệt là chính sách miễn thị thực đơn phương 30 ngày nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.
Dự kiến các biện pháp đơn giản hoá các quy trình kiểm tra, giãn cách đối với thủ tục nhập cảnh của khách du lịch nước ngoài, sẽ giúp thúc đẩy khả năng cạnh tranh cho ngành du lịch Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế, sẽ là cột mốc đánh dấu thời kỳ “bừng tỉnh” và khởi sắc của ngành du lịch sau khoảng thời gian “ngủ đông” kéo dài vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.