1. QUYẾT ĐỊNH 1205/2017/QĐ-UBCKNN
“Sửa đổi quy chế giao dịch ký quỹ“
Quyết định số 1205/QĐ-UBCK (“Quyết định 1205”) ngày 27/12/2017 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc sửa đổi Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 87/QĐ-UBCK, có hiệu lực kể từ ngày 02/01/2018.
Quyết định số 1205 bổ sung trường hợp cấm ký quỹ chứng khoán đối với các công ty bị khởi tố hình sự.
Đồng thời, quy định mới thu hẹp đối tượng cấm kỹ quỹ chứng khoán khi bị xử phạt hành chính về thuế. Theo đó, Quyết định 1205 chỉ cấm khi công ty có hành vi gian lận, trốn thuế hoặc có hành vi không chấp hành kết luận cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Trước đó, theo quy định cũ, cấm ký quỹ chứng khoán khi các công ty nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc vi phạm pháp luật thuế.
2. LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG 2017
“Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém“
Ngày 20/11/2017, Quốc Hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng 2017, có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2018.
Theo đó, Ngân hàng nhà nước có thể xem xét can thiệp sớm vào các tổ chức tín dụng chưa được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, nhằm xử lý tốt hơn các tổ chức tín dụng yếu kém.
Ngoài ra, Luật sửa đổi này còn quy định thêm nội dung về phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm: (i) Phương án phục hồi; (ii) Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; (iii) Phương án giải thể; (iv) Phương án chuyển giao bắt buộc; (v) Phương án phá sản.
3. NGHỊ ĐỊNH 09/2018/NĐ-CP
“Sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối“
Nghị định số 09/2018/NĐ-CP (“Nghị định 09”) ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (“nhà đầu tư nước ngoài”) tại Việt Nam có hiệu lực cùng ngày, thay thế Nghị định 23/2007/NĐ-CP.
Nghị định 09 có một số điểm mới như:
- Nhà đầu tư nước ngoài không cần phải xin Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động nhập khẩu, phân phối bán buôn, trừ trường hợp hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn.
- Thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh thuộc Sở Công thương (trước đây là do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cấp); Thời gian giải quyết thủ tục được rút ngắn xuống còn 10 ngày làm việc. Trong trường hợp, phải xin ý kiến Bộ Công thương, thời gian tối đa là khoảng 01 tháng.
- Đối với những mặt hàng gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí, nhà đầu tư chỉ có thể xin Giấy phép kinh doanh bán lẻ. Khi đó, họ cần phải đáp ứng điều kiện đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi.
- Muốn hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, nhà đầu tư nước ngoài phải xin Giấy phép lập cơ sở bán lẻ, kể cả cơ sở bán lẻ thứ nhất. Khi lập cơ sở bán lẻ thứ hai trở lên, bắt buộc phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT), trừ trường hợp cơ sở bán lẻ đó đáp ứng cả 03 điều kiện sau: (i) diện tích dưới 500 m2; (ii) được lập trong trung tâm thương mại; (iii) không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
So với quy định cũ, Nghị định 09 một phần đơn giản hóa điều kiện, thủ tục đầu tư, kinh doanh trong hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài; một phần, vẫn có những “rào chắn” nhất định để kiểm soát sự đầu tư vào thị trường trong nước.
4. NGHỊ ĐỊNH 08/2018/NĐ-CP
“Sửa đổi, bổ sung các điều kiện đối với hoạt động nhượng quyền thương mại“
Cụ thể hóa Quyết định 3610A/QĐ-BCT năm 2017 của Bộ Công thương về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, ngày 15/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP (“Nghị định 08”) sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương có hiệu lực cùng ngày.
Theo đó, Nghị định 08 đã bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh thuộc các lĩnh vực: xăng dầu, thuốc lá, điện lực, nhượng quyền thương mại, thương mại điện tử, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, thực phẩm v.v. Đặc biệt đối với lĩnh vực nhượng quyền thương mại có những thay đổi đáng kể:
- Đối với Bên nhượng quyền: Thương nhân sẽ được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định nhượng quyền đã hoạt động được 01 năm.
- Bãi bỏ điều kiện đối với Bên nhận quyền: Thương nhân nhận quyền thương mại không cần phải đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng quyền thương mại; không hạn chế hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại
Trên thực tế, không ít trường hợp Hợp đồng nhượng quyền thương mại bị vô hiệu vì một trong các bên không đáp ứng đủ các điều kiện về nhượng quyền thương mại. Cụ thể, bên nhận nhượng quyền ký Hợp đồng nhượng quyền trước rồi mới thực hiện việc đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp là trường hợp dễ dẫn đến Hợp đồng nhượng quyền vô hiệu nếu có tranh chấp xảy ra.
Nên, việc mở rộng phạm vi các chủ thể được tham gia quan hệ nhượng quyền thương mại bằng cách loại bỏ một số điều kiện về nhượng quyền thượng mại là một trong những bước ngoặc trong việc thực hiện chủ trương cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
5. NGHỊ ĐỊNH 141/2017/NĐ-CP
“Tăng 180.000 đến 230.000 VNĐ đối với mức lương tối thiểu vùng năm 2018“
Nghị định số 141/2017/NĐ-CP (“Nghị định 141”) ngày 07/12/2017 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực kể từ ngày 25/01/2018.
Theo hướng dẫn tại Nghị định 141, mức lương tối thiểu cho người lao động theo vùng sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng như sau:
- Vùng I, tăng từ 3.750.000 VND/tháng lên 3.980.000 VND/tháng;
- Vùng II, tăng từ 3.320.000 VND/tháng lên 3.530.000 VND/tháng;
- Vùng III, tăng từ 2.900.000 VND/tháng lên 3.090.000 VND/tháng;
- Vùng IV, tăng từ 2.580.000 VND/tháng lên 2.760.000 VND/tháng.
Như vậy, mức tăng trung bình là 6,5% trong đó vùng IV có tỷ lệ tăng cao nhất là 7%.
6. THÔNG TƯ 01/2018/TT-NHNN
“Một số quy định mới về cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt“
Thông tư số 01/2018/TT-NHNN (“Thông tư 01”) ngày 26/01/2018 của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, có hiệu lực kể từ ngày 29/01/2018, thay thế Thông tư 06/2012/TT-NHNN.
Một trong những điểm mới của Thông tư 01 là mở rộng phạm vi để tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt được vay vốn đặc biệt tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, thay vì trước đó chỉ được vay tại Ngân hàng nhà nước và Tổ chức tín dụng khác được Ngân hàng nhà nước chỉ định.
Ngoài ra, Thông tư 01 còn cho phép Ngân hàng Nhà nước được cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với những trường hợp được quy định tại Điều 5 Thông tư 01.
Lãi suất đối với nợ gốc cho vay đặc biệt quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay đặc biệt trong hạn của khoản vay ngay trước thời điểm chuyển quá hạn, trừ trường hợp khoản vay quá hạn là khoản vay tái cấp vốn.
7. THÔNG TƯ 20/2017/TT-NHNN
“Quy định mới về bán khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính“
Thông tư số 20/2017/TT-NHNN (“Thông tư 20”) ngày 29/12/2017 của Ngân hàng nhà nước quy định về bán khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính, thay thế Thông tư 09/2006/TT-NHNN (“Thông tư 09”), có hiệu lực kể từ ngày 12/02/2018.
Một trong những quy định mới của Thông tư 20 là bổ sung đối tượng được mua khoản nợ cho thuê tài chính. Theo đó, ngoài doanh nghiệp, cá nhân trong nước thì doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cũng được mua khoản nợ cho thuê tài chính.
Ngoài ra, Thông tư 20 quy định mới về nguyên tắc bán khoản phải thu. Theo đó, bên bán chỉ được chuyển giao quyền đòi nợ cho bên mua. Trừ trường hợp, bên mua là công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính thì ngoài quyền đòi nợ bên bán có quyền chuyển giao quyền tài sản. Bên bán không được mua lại các khoản phải thu đã bán. Đồng thời, nếu hợp đồng cho thuê tài chính có thỏa thuận về biện pháp bảo đảm thì việc chuyển giao quyền đòi nợ bao gồm cả biện pháp bảo đảm đó.
Tuy nhiên, quy định mới nghiêm cấm bán khoản phải thu trong trường hợp: (i) Bán cho công ty con; (ii) Hợp đồng cho thuê tài chính có thỏa thuận việc không được bán nợ; (iii) Khoản nợ được sử dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự, trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý.
8. NGHỊ ĐỊNH 163/2017/NĐ – CP
“Quy định mới về kinh doanh dịch vụ logistics“
Nghị định số 163/2017/NĐ-CP (“Nghị định 163”) ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistics có hiệu lực kể từ ngày 20/02/2018, thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP (“Nghị định 140”) quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.
Theo đó, về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, thương nhân kinh doanh các dịch vụ cụ thể phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó.
Thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Nghị định 163 cũng quy định về giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Trong trường hợp, pháp luật liên quan có quy định về giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thì thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan. Nếu, pháp luật liên quan không quy định thì giới hạn trách nhiệm do các bên thỏa thuận. Trường hợp, các bên không có thỏa thuận thì:
- Trường hợp khách hàng không có thông báo trước về giá trị hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường;
- Trường hợp khách hàng đã thông báo trước về giá trị hàng hóa và được thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics xác nhận thì giới hạn trách nhiệm sẽ không vượt quá giá trị của hàng hóa đó. Quy định này có khác so với Nghị định 140, theo đó, giới hạn trách nhiệm trong trường hợp này là toàn bộ giá trị của hàng hóa.