Xuất xứ hàng hóa không phải là thước đo giá trị thực của sản phẩm mà chỉ có chất lượng mới góp phần tạo nên sức sống lâu bền trong lòng người tiêu dùng.
HẠN CHẾ TỐI ĐA SỰ NGHI NGẠI CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG
Bộ Công thương vừa ban hành dự thảo quy định về ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa, hay còn gọi là Made in Vietnam (trong thị trường nội địa thì phải ghi bằng tiếng Việt), trong đó quy định chi tiết về tiêu chuẩn và các điều kiện để được gắn nhãn “Made in Vietnam”.
Đối với pháp luật quốc tế, Việt Nam đã và đang là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia hoặc nhóm quốc gia trên thế giới. Trong mỗi hiệp định lại quy định cách thức ghi trên xuất xứ nhãn hàng hóa của các nước thành viên khác nhau.
Ví dụ, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) quy định hàm lượng giá trị khu vực (RVC) để xác định xuất xứ sản phẩm ASEAN phải đạt tối thiểu 40%(1) hoặc cho phép cộng gộp từng phần sao cho đạt tỷ lệ ít nhất là 20%(2), ngoài ra còn có phương pháp chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC)(3).
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) quy định hàng hóa, dù được làm từ nguyên liệu có xuất xứ không thuần túy, nhưng vẫn sẽ được xem là hàng hóa có xuất xứ tại một quốc gia thành viên nếu đã trải qua công đoạn gia công, chế biến đầy đủ tại quốc gia thành viên đó(4) (kèm thêm quy định phương pháp chế biến, gia công cho từng sản phẩm cụ thể(5)).
Như vậy, có thể thấy xuất xứ hàng hóa theo quy định của các hiệp định thương mại tự do đang đóng vai trò định hướng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Còn việc ghi trên xuất xứ nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm lưu thông trong nước thì đang được các nhà làm luật khẩn trương ban hành nhằm hạn chế tối đa sự nghi ngại của người tiêu dùng đối với hàng hóa Việt.
Đứng trước cơ hội đó, doanh nghiệp Việt cần phải nắm bắt quy định của pháp luật về nhãn mác hàng hóa lưu thông nội địa và đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ khi xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng phải thấu hiểu người tiêu dùng phổ thông trong nước đang thực sự quan tâm đến điều gì khi đặt niềm tin lựa chọn hàng hóa mang nhãn mác “Made in Vietnam”.
“VÁ” BẰNG LUẬT: CẦN NHƯNG CHƯA ĐỦ
Cần phải khẳng định rằng, chuyện nâng tầm nhãn hiệu không thể chỉ đến từ con đường lập pháp chặt chẽ mà ngay bản thân những người làm thương hiệu cũng phải hiểu rõ giá trị đóng góp của mình trong chính nhãn hiệu ấy. Đối với người tiêu dùng phổ thông, họ không có khả năng để quan tâm đến sản phẩm dự định mua có bao nhiêu phần trăm hàm lượng giá trị gia tăng nội địa mà họ chỉ có thể đánh giá một sản phẩm “Made in Vietnam” thông qua nguyên liệu sản xuất, bao nhiêu công đoạn trong quy trình sản xuất được thực hiện tại Việt Nam hay có phải do doanh nghiệp Việt Nam chính tay thực hiện.
Hơn ai hết, những người làm kinh doanh cần hiểu rằng xuất xứ hàng hóa không phải là thước đo giá trị thực của sản phẩm mà chỉ có chất lượng mới góp phần tạo nên sức sống lâu bền trong lòng người tiêu dùng.
Ai cũng hiểu rằng một sản phẩm bất kỳ, dù cho đơn giản nhất, cũng là kết tinh của một chuỗi liên kết những giá trị hiện vật (nguyên liệu, sức lao động) và những giá trị tinh thần (ý tưởng, mô hình kinh doanh) thông qua rất nhiều công đoạn. Trong chuỗi sản xuất toàn cầu, mỗi doanh nghiệp ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tạo ra sản phẩm là một mắt xích cung ứng quan trọng, đóng góp vào giá trị chung của dây chuyền sản xuất trải dài trên nhiều vùng lãnh thổ.
Nhận thức được bối cảnh đó, ngoài việc tuân thủ pháp luật để bảo đảm nhãn hiệu Việt Nam có chỗ đứng hợp pháp trên thị trường, doanh nghiệp Việt cần cân nhắc thế mạnh của mình để thực sự mang đến sản phẩm “Made in Vietnam” xứng tầm với chất lượng và giá trị cốt lõi được khẳng định.
Đối với những sản phẩm đã quá thành công trên thị trường do doanh nghiệp khác nắm giữ, đó sẽ là một bài toán rất khó về tiềm lực nếu doanh nghiệp mới muốn tham gia để chia miếng bánh thị phần. Thay vào đó, bằng tầm nhìn đường dài trong chuỗi sản xuất khổng lồ của nền kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tập trung tạo ra một sản phẩm nhưng đồng thời đó phải là một lời tuyên ngôn không thể rõ ràng hơn về chất lượng gắn liền với nhãn hiệu “Made in Vietnam”.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, việc các nhà lập pháp ban hành những văn bản pháp luật chặt chẽ về mặt quy trình để đánh giá sản phẩm “Made in Vietnam” là điều cần thiết để giúp hàng hóa tăng tính cạnh tranh, bảo hộ thương hiệu Việt và tuân thủ hài hòa với nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang là thành viên.
Ngoài ra, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng sản phẩm đi đôi với thương hiệu cũng phải ngày càng được nâng cao để góp phần nâng tầm vị thế của sản phẩm “Made in Vietnam” ngay tại sân nhà và mở ra cánh cửa thị trường quốc tế. Song, những nỗ lực đó cần phải kết hợp với quy trình hành pháp chặt chẽ, hiệu quả để mang trở lại niềm tin vốn đang rất mong manh nơi người tiêu dùng. Và có như vậy, những thương hiệu Việt mới được chắp cánh để tự tin vùng vẫy giữa biển lớn trong môi trường cạnh tranh toàn cầu ngày càng khắc nghiệt.
(*) Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Victory LLC
(1) Điều 28.1 Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN
(2) Điều 30.2 Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN
(3) Điều 28.1 Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN
(4) Điều 2, điều 5 của Nghị định thư số 1 của EVFTA quy định hàng hoá có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính
(5) Phụ lục 2 của Nghị định thư số 1 của EVFTA quy định hàng hoá có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính