I. LUẬT PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA 2019
Nghiêm cấm uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông
Việc sử dụng rượu, bia nhiều và thường xuyên tại Việt Nam đang ở mức báo động, tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra đối với sức khỏe và xã hội ngày càng trầm trọng. Đây là trở ngại lớn đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam, gánh nặng này sẽ càng gia tăng nếu không có chính sách pháp luật điều chỉnh kịp thời. Do đó, ngày 14/06/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14 (“Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019”) có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Theo đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định về các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 nghiêm cấm mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông. Cũng trong Luật này quy định một số địa điểm không được uống rượu, bia như: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục trong thời gian học tập, giảng dạy và làm việc; cơ sở cai nghiện; cơ sở bảo trợ xã hội; nơi làm việc của cơ quan Nhà nước, Tổ chức chính trị, v.v.
Ngoài ra, Luật cũng nghiêm cấm: xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; khuyến mại trong hoạt động kinh doanh, sản xuất rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức; quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe; đặc biệt là, nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; v.v.
Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia ra đời nhằm giảm các tác động tiêu cực của rượu, bia đến sức khỏe, xã hội, kinh tế thông qua các biện pháp về giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý chặt chẽ việc cung cấp, hạn chế tính sẵn có của rượu, bia. Qua đó, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân nhằm phát triển kinh tế – xã hội.
II. LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ 2019
Luật Thi hành án hình sự mới có hiệu lực từ 01/01/2020
Luật Thi hành án hình sự số 41/2019/QH14 (“Luật THAHS 2019”) được Quốc hội thông qua ngày 14/06/2019, có hiệu lực ngày 01/01/2020 thay thế Luật Thi hành án hình sự số 53/2010/QH12 (“Luật THAHS 2010”).
So với Luật THAHS 2010, Luật THAHS 2019 có nhiều nội dung mới về phạm vi điều chỉnh, tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án tử hình, thi hành án đối với pháp nhân thương mại, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của phạm nhân đang chấp hành án, v.v. Trong đó, nổi bật là quy định về chế độ quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân. Qua đó, thể hiện tính nhân văn sâu sắc bảo đảm quyền lợi của phạm nhân, đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Theo đó, Luật mới đã bổ sung thêm hai (2) đối tượng được giam giữ riêng là: phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam và phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính. Trước đây, Luật THAHS 2010 chỉ quy định có sáu (6) đối tượng được bố trí giam giữ riêng như: phạm nhân nữ; phạm nhân là người chưa thành niên, phạm nhân là người nước ngoài, v.v.
Đối với người bị phạt tù, lao động là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân. Để nâng cao hiệu quả công tác này, Luật THAHS 2019 cho phép hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân. Giám thị trại giam lập kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân trong năm và gửi cho cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phê duyệt.
Ngoài ra, nhằm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về pháp nhân thương mại, thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại cũng là quy định mới của Luật THAHS 2019. Theo đó, Luật quy định về cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án; quyết định, thủ tục, hồ sơ thi hành án; quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án; cưỡng chế thi hành án; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại; chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp; v.v.
III. LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG 2019
Luật Đầu tư công mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2020
Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 (“LĐTC 2019”) vừa được Quốc hội thông qua ngày 13/06/2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, thay thế Luật Đầu tư công 2014 (“LĐTC 2014”). Sau đây là một số nội dung mới nổi bật của văn bản này.
LĐTC 2019 thống nhất định nghĩa về “vốn đầu tư công”, theo đó, vốn đầu tư công là vốn ngân sách Nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. So với quy định trước đây tại LĐTC 2014, định nghĩa về vốn đầu tư đã được thu hẹp hơn, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư, v.v.
LĐTC 2019 quy định về đối tượng đầu tư công, vấn đề này không được quy định tại LĐTC 2014. Cụ thể, có sáu (6) đối tượng đầu tư công, gồm: (i) Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; (ii) Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; (iii) Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội; (iv) Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; (v) Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy định; (vi) Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác.
Một điểm mới đáng chú ý của LĐTC 2019 là việc phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đây được coi là một nội dung trong thẩm định chủ trương đầu tư. Theo đó, vai trò thẩm định thuộc về: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Với nhiều điểm mới nổi bật LĐTC 2019 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình chuẩn bị dự án, đơn giản hóa thủ tục, đem đến một sự phân cấp mạnh mẽ. LĐTC 2019 cũng góp phần cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.
IV. NGHỊ ĐỊNH 90/2019/NĐ-CP
Lương tối thiểu vùng 2020 tăng từ 150.000 – 240.000 đồng/tháng
Nghị định số 90/2019/NĐ-CP (“Nghị định 90”) do Chính phủ ban hành ngày 15/11/2019 quy định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 thay thế Nghị định số 157/2018/NĐ-CP (“Nghị định 157”).
So với Nghị định 157 quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cụ thể như sau:
- Mức 4.420.000 đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng), áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
- Mức 3.920.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng), áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
- Mức 3.430.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng), áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
- Mức 3.070.000 đồng/tháng (tăng 150.000 đồng/tháng), áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Mức lương tối thiểu đối với người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Lương tối thiểu vùng 2020 tăng từ 150.000 – 240.000 đồng/tháng sẽ giúp thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, dần đảm bảo được mức sống tối thiểu theo đúng lộ trình đã được đề ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu cũng sẽ tác động đến các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra. Dù vậy, thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp đang thực hiện chi trả lương cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng năm 2019 nên việc tăng lương tối thiểu năm 2020 sẽ chủ yếu tác động đến chi phí đóng BHXH của người sử dụng lao động.
V. NGHỊ ĐỊNH 100/2019/NĐ-CP
Trong hơi thở có nồng độ cồn khi tham gia giao thông có thể bị phạt đến 40 triệu đồng
Nghị định 100/2019/NĐ-CP (“Nghị định 100”) do Chính Phủ ban hành ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP (“Nghị định 46”).
Nghị định 100 có chế tài mạnh, bao gồm nhiều quy định xử phạt mới và mức phạt tăng cao hơn so với Nghị định 46, đặc biệt về các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
Để phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại rượu bia 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 trong đó nghiêm cấm lái xe khi đã uống rượu bia, Nghị định 100 đã có chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi điều khiển xe mô tô, gắn máy, xe đạp (kể cả xe máy điện) trên đường trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, kể cả nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, trước đây Nghị định 46 không có quy định về vấn đề này.
Người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở thì bị phạt từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng; Vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở thì bị phạt từ 16.000.000 – 18.000.000 đồng.
Đặc biệt, mức phạt cao nhất lên đến 40.000.000 đồng đối với người lái xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở. Đồng thời, ngoài việc bị phạt tiền, người lái xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng.
Bên cạnh đó, trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở thì người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng; còn người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), xe thô sơ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng. Các mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khác đều tăng so với các quy định tại Nghị định 46.
VI. NGHỊ ĐỊNH 06/2020/NĐ-CP
Phải có nội dung “Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” trong Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Nghị định 06/2020/NĐ-CP (“Nghị định 06”) do Chính phủ ban hành ngày 03/01/2020 sửa đổi Điều 17 Nghị định 47/2014/NĐ-CP (“Nghị định 47”), quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, có hiệu lực ngày 20/02/2020.
Đối với Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ngoài những nội dung được quy định tại Nghị định 47, nay, theo quy định mới phải có thêm nội dung “Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” vào Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thể hiện các nội dung được quy định cho toàn bộ dự án và chi tiết đến từng địa phương (nếu có). Đặc biệt, trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì trong Khung chính sách phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó.
Trên thực tế, có rất nhiều dự án chậm tiến độ nguyên nhân chủ yếu là do quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng chậm. Do đó, việc bổ sung quy định về tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ là căn cứ pháp lý để giải quyết tình trạng trên.
Đối với dự án đầu tư đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án trước ngày 20/02/2020 sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 47. Đối với dự án đầu tư đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án sau ngày 20/02/2020 sẽ được thực hiện theo Nghị định 06.
VII. NGHỊ ĐỊNH 08/2020/NĐ-CP
Vi bằng không có giá trị thay thế bản công chứng, chứng thực
Nghị định số 08/2020/NĐ-CP (“Nghị định 08”) do Chính phủ ban hành ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thay thế Nghị định 61/2009/NĐ-CP (“Nghị định 61”) và Nghị định 135/2013/NĐ-CP (“Nghị định 135”) có hiệu lực ngày 24/02/2020.
Tại Nghị định 08 này, tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại có nhiều thay đổi so với trước đây. Cụ thể, Nghị định 08 đã giới hạn độ tuổi công dân Việt Nam được bổ nhiệm Thừa phát lại là không quá 65 tuổi và phải là có nơi ở thường trú tại Việt Nam. Tiêu chuẩn về thời gian công tác pháp luật cũng được rút ngắn từ “trên năm (05) năm” xuống còn “ba (03) năm trở lên”. Việc không được “kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản” không còn là điều kiện về tiêu chuẩn để bổ nhiệm Thừa phát lại như trước đây mà được đưa vào quy định tại về những việc Thừa phát lại không được làm (Điều 4).
Một trong những điểm mới đáng chú ý khác của Nghị định 08 là quy định về giá trị pháp lý của vi bằng. Theo Nghị định này Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc (trước đây chỉ theo yêu cầu của đương sự), trừ một số trường hợp không được lập vi bằng như vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật, v.v. Nghị định 08 nêu rõ “vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác”. Đặc biệt, dù không vi phạm các trường hợp không được lập vi bằng nhưng trong một số trường hợp xem xét giá trị của vi bằng, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân vẫn có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng.
VIII. NGHỊ ĐỊNH 16/2020/NĐ-CP
Hướng dẫn mới liên quan về vấn đề quốc tịch
Nghị định số 16/2020/NĐ-CP (“Nghị định 16”) do Chính phủ ban hành ngày 03/02/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam thay thế Nghị định số 78/2009/NĐ-CP (“Nghị định 78”) và Nghị định số 97/2014/NĐ-CP (“Nghị định 97”) ngày 17/10/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78 có hiệu lực từ ngày 20/03/2020.
Một trong những điểm mới của Nghị định 16 đó là việc bổ sung quy định về hủy giá trị giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người thôi quốc tịch, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Trong các văn bản pháp luật về quốc tịch trước đây do không có quy định này, nên rất nhiều trường hợp mặc dù đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn sử dụng hộ chiếu, chứng minh nhân dân, v.v. để chứng minh tư cách công dân Việt Nam trong các giao dịch. Vì vậy, đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, cũng như ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người có liên quan. Để khắc phục hạn chế này, Nghị định 16 đã quy định, kể từ ngày Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của một người có hiệu lực pháp luật, những giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt đã cấp cho người đó không còn giá trị.
Trước đây, Luật Quốc tịch Việt Nam và Nghị định 78 đều không có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quốc tịch, do đó, không có cơ sở pháp lý để xử lý khi phát sinh trên thực tế. Vì vậy, Nghị định 16 đã bổ sung quy định mới về các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm các hành vi điển hình như: Dùng giấy tờ giả, giấy tờ bị sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung; Khai báo không trung thực, có hành vi gian dối để làm thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch; Lợi dụng thẩm quyền được giao để cấp giấy tờ trái quy định của pháp luật, v.v.
Ngoài ra, Nghị định 16 cũng đã quy định chi tiết và hướng dẫn rõ hơn về các điều kiện xin giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng Luật Quốc tịch Việt Nam. Theo đó, Nghị định 16 quy định cụ thể về các “trường hợp đặc biệt” của người nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài được quy định tại Khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Có thể thấy, Nghị định 16 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, đã khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong công tác quốc tịch thời gian qua; đồng thời tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết các loại việc về quốc tịch; tránh được tình trạng có cách hiểu khác nhau, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện.
IX. NGHỊ ĐỊNH 17/2020/NĐ-CP
Chính thức loại bỏ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu
Nghị định số 17/2020/NĐ-CP (“Nghị định 17”) do chính Phủ ban hành ngày 05/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến Điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực Quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương có hiệu lực từ ngày 22/03/2020.
Các lĩnh vực được sửa, đổi bổ sung gồm: (1) Lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô; (2) Lĩnh vực điện lực; (3) Lĩnh vực hoá chất; (4) Lĩnh vực kinh doanh thực phẩm; (5) Lĩnh vực kinh doanh khoáng sản; (6) Lĩnh vực kinh doanh khí; (7) Lĩnh vực kinh doanh rượu; (8) Lĩnh vực kinh doanh thuốc lá.
Liên quan đến lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô (“Nghị định 116”) với những điểm nổi bật như sau:
Theo đó, từ ngày Nghị định 17 có hiệu lực, bất kỳ doanh nghiệp nhập khẩu và tạm nhập khẩu ô tô có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam sẽ bị thu hồi hoặc tạm dừng hiệu lực của Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô đã cấp cho doanh nghiệp đó.
Trước đây, Nghị định 116 quy định 05 điều kiện doanh nghiệp cần đáp ứng để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô, nay Nghị định 17 bãi bỏ những điều kiện sau: (i) Người phụ trách kỹ thuật các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô phải có trình độ đại học trở lên, thuộc ngành cơ khí, ô tô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô tối thiểu 05 năm; (ii) Có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; (iii) Đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; (iv) Có đủ các hồ sơ về bảo vệ môi trường đối với nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô.
Đặc biệt, Nghị định 17 đã chính thức loại bỏ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA). Đây đã từng là vướng mắc quan trọng nhất trong thủ tục giấy tờ thông quan của các lô xe nhập về Việt Nam trong suốt năm 2018 và 2019. Bên cạnh việc xin Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, Nghị định 116 trước đây còn quy định hàng loạt các giấy tờ khác để có thể thông quan xe nhập vào Việt Nam. Như vậy, để những mẫu xe nhập khẩu vào Việt Nam và hưởng thuế nhập khẩu 0% là điều không hề dễ dàng. Điều này phần nào chính là sự bảo hộ của Chính phủ đối với nền công nghiệp ô tô nội địa. Nhưng nay, cánh cửa nhập khẩu một lần nữa lại rộng mở khi Nghị định 17 ra đời, là một bước đệm để nền công nghiệp ô tô Việt tự mình bước đi và phát triển trong tương lai.