1. NGHỊ ĐỊNH 05/2019/NĐ-CP
“Quy định về kiểm toán nội bộ”
Nghị định 05/2019/NĐ-CP (“Nghị định 05”) do Chính Phủ ban hành quy định về kiểm toán nội bộ (“KTNB”) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2019.
Nghị định 05 quy định cụ thể về công tác KTNB; nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của bộ phận KTNB, người làm công tác KTNB; trách nhiệm của các bên đối với KTNB; quản lý Nhà nước về KTNB. Đây được xem là khung pháp lý toàn diện đầu tiên về hoạt động KTNB tại các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công, các doanh nghiệp.
Theo Nghị định 05, các doanh nghiệp sau đây bắt buộc thực hiện KTNB:
- Công ty niêm yết;
- Doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con;
- Doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.
Các doanh nghiệp trên đây có thể đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện hoạt động kiểm toán để cung cấp dịch vụ KTNB. Tuy nhiên, trường hợp này phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc cơ bản của KTNB và các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ nguyên tắc cơ bản của KTNB theo quy định của Nghị định này. Các doanh nghiệp khác được khuyến khích thực hiện công tác KTNB.
Các doanh nghiệp khác được khuyến khích thực hiện công tác KTNB.
2. NGHỊ ĐỊNH 29/2019/NĐ-CP
“Đơn giản hóa điều kiện cấp Giấy phép cho thuê lại lao động (“Giấy phép”)”
Nghị định số 29/2019/NĐ-CP (“Nghị định 29”) ngày 20/03/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động có hiệu lực vào ngày 05/05/2019 thay thế Nghị định số 55/2013/NĐ-CP (“Nghị định 55”).
Theo đó, các điều kiện để cấp Giấy phép bao gồm:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải đảm bảo điều kiện:
- Là người quản lý doanh nghiệp;
- Không có án tích;
- Đã làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
- Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
So với Nghị định 55, Nghị định mới đã bãi bỏ điều kiện doanh nghiệp cần có vốn pháp định là 2.000.000.000 và điều kiện về địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Ngoài ra, thời hạn của Giấy phép tăng lên tối đa là 60 tháng, quy định trước đây là 36 tháng.
3. NGHỊ ĐỊNH 23/2019/NĐ-CP
“Hướng dẫn các trường hợp phải xin giấy phép khi thực hiện hoạt động triển lãm”
Nghị định số 23/2019/NĐ-CP (“Nghị định 23”) ngày 26/02/2019 của Chính phủ quy định về hoạt động triển lãm có hiệu lực từ ngày 15/04/2019.
Theo đó, các cá nhân, tổ chức khi thực hiện triển lãm phải xin cấp giấy phép khi thuộc các trường hợp sau:
- Triển lãm do tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đưa ra nước ngoài;
- Triển lãm do quốc tế tổ chức, tổ chức, cá nhân nước ngoài tổ chức tại Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định 23 cũng quy định những trường hợp khi tổ chức triển lãm phải gử Thông báo tổ chức triển lãm:
- Gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với:
- Triển lãm do tổ chức ở Trung ương tổ chức tại Việt Nam’
- Triển lãm do các tổ chức thuộc 02 tỉnh, thành phố trở lên liên kết tổ chức tại Việt Nam.
- Gửi tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao đối với: Triển lãm do tổ chức ở địa phương hoặc cá nhân tổ chức tại địa phương.
Tuy nhiên, những quy định nổi bật nêu trên và những quy định khác của Nghị định 23 không áp dụng đối với các triển lãm:
- Mỹ thuật, nhiếp ảnh; xuất bản phẩm, bảo vật, cổ vật; triển lãm thuộc hệ thống bảo tàng; thành tựu kinh tế – xã hội quốc gia, địa phương;
- Trưng bày tác phẩm, hiện vật, tài liệu mang tính chất nội bộ.
4. NGHỊ ĐỊNH 24/2019/NĐ-CP
“Một số điểm mới đối với việc nuôi con nuôi”
Nghị định 24/2019/NĐ-CP (“Nghị định 24”) ngày 05/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP (“Nghị định 19”) ngày 21/03/2011 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi, có hiệu lực từ ngày 25/04/2019.
Thứ nhất, về thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi đối với trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân (“UBND”) cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Trước đây, riêng trường hợp này, chỉ có UBND cấp xã nơi thường trú của ngườ nhận con nuôi mới có thẩm quyền giải quyết.
Thứ hai, đối với vấn đề tìm người nhận trẻ làm con nuôi, Nghị định 24 đã không còn phân loại trẻ em thuộc Danh sách 1 và Danh sách 2 như quy định tại Nghị định 19, thay vào đó, UBND cấp xã hàng tháng có nghĩa vụ rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi. Thứ ba, liên quan đến điều kiện làm con nuôi ở nước ngoài, Nghị định 24 đã bổ sung thêm trường hợp (i) trẻ em bị bỏ rơi mà Công an cấp tỉnh xác minh được thông tin về cha, mẹ đẻ và Sở Tư pháp liên hệ được với cha, mẹ đẻ thì Sở Tư pháp tiến hành lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ trước khi xác nhận trẻ đủ điều kiện làm con nuôi; (ii) trường hợp không thể liên hệ với cha, mẹ đẻ, Sở Tư pháp niêm yết tại trụ sở của mình trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, đồng thời UBND cấp xã nơi cư trú cuối của cha, mẹ đẻ cũng niêm yết tại trụ sở của mình về việc cho trẻ em làm con nuôi trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp.
5. NGHỊ ĐỊNH 30/2019/NĐ-CP
“Bổ sung quy định về việc xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước”
Nghị định 30/2019/NĐ-CP (“Nghị định 30”) ngày 28/03/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 15/05/2019.
Theo đó, thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trong trường hợp người đang thực tế sử dụng nhà ở, có hợp đồng thuê và có tên trong hợp đồng được xác định như sau:
- Theo thời điểm ghi trong hợp đồng (nếu có);
- Theo thời điểm ký kết hợp đồng đó nếu hợp đồng không ghi thời điểm;
- Theo thời điểm nêu tại hợp đồng ký kết đầu tiên nếu thuộc diện ký lại hợp đồng hoặc gia hạn hợp đồng thuê nhà;
- Theo thời điểm nộp tiền thuê nhà ở nếu người trực tiếp sử dụng nhà ở có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền thuê nhà ở trước khi ký kết hợp đồng; trường hợp khi ký kết hợp đồng mà cơ quan có thẩm quyền đã truy thu tiền thuê nhà ở (có giấy tờ chứng minh) thì xác định theo thời điểm tính truy thu tiền thuê nhà ở; và
- Theo thời điểm ghi trong Quyết định/văn bản bố trí sử dụng nếu người trực tiếp sử dụng nhà ở có quyết định hoặc văn bản phân phối bố trí sử dụng nhà ở và có tên trong văn bản đó trước thời điểm ký hợp đồng thì xác định; nếu trong Quyết định/văn bản bố trí sử dụng không ghi thời điểm thì xác định theo thời điểm ban hành văn bản đó.
Trong trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở, không có hợp đồng thuê nhà nhưng có tên trong văn bản bố trí sử dụng thì thời điểm bố trí sử dụng xác định theo thời điểm ghi trong văn bản đó; nếu văn bản không ghi thời điểm thì sẽ theo thời điểm ban hành văn bản. Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở thuộc diện nhận chuyển quyền thuê nhà (có hợp đồng hoặc có văn bản bố trí sử dụng nhưng không có tên trong hợp đồng hoặc trong văn bản đó) thì thời điểm bố trí sử dụng sẽ theo thời điểm người đầu tiên có tên trong hợp đồng hoặc văn bản bố trí sử dụng nhà ở.
6. THÔNG TƯ 03/2019/TT-NHNN
“Bổ sung đối tượng được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam”
Thông tư 03/2019/TT-NHNN (“Thông tư 03”) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung Thông tư 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam có hiệu lực từ ngày 13/05/2019.
Thông tư 03 bổ sung quy định về các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam đối với người không cư trú. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài được đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ chuyển khoản khi tham gia đấu giá trong các trường hợp:
- Mua cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Mua cổ phần, phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác thực hiện thoái vốn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, Thông tư 03 quy định trường hợp trúng đấu giá, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chuyển vốn đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối để thanh toán giá trị mua cổ phần, phần vốn góp. Trường hợp đấu giá không thành công, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài số tiền đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ sau khi đã trừ đi các chi phí phát sinh liên quan (nếu có).
7. NGHỊ ĐỊNH 31/2019/NĐ-CP
“Quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo”
Nghị định 31/2019/NĐ-CP (“Nghị định 31”) do Chính Phủ ban hành thay thế cho Nghị định 76/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tố cáo có hiệu lực thi hành ngày 26/05/2019.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức là người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định 31 hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Các hình thức xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo bao gồm:
- Khiển trách;
- Cảnh cáo; và
- Cách chức.
Ngoài ra, đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự hật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm cũng sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.