I. NGHỊ ĐỊNH 97/2020/NĐ-CP
Tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không
Nhằm mục tiêu thực hiện Công ước Thống nhất một số quy tắc vận chuyển quốc tế bằng đường hàng không (Công ước Montreal), vào ngày 26/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2020/NĐ-CP (“Nghị định 97”) về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không, có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.
Những mức tăng này cụ thể như sau:
- Vận chuyển hành khách: mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho mỗi hành khách tăng từ 100.000 đơn vị tính toán (“ĐVTT“) lên thành 128.821 ĐVTT;
- Vận chuyển hành khách: mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm cho mỗi hành khách tăng từ 4.150 ĐVTT lên thành 5.346 ĐVTT;
- Vận chuyển hành lý (bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay): mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm cho mỗi hành khách tăng từ 1.000 ĐVTT lên thành 1.288 ĐVTT.
- Vận chuyển hàng hóa: mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm cho mỗi kilôgam hàng hóa tăng từ 17 ĐVTT lên thành 22 ĐVTT.
Vấn đề cần lưu ý thứ hai là Nghị định 97 có phạm vi điều chỉnh là cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý bằng tàu bay do hãng hàng không thực hiện, bất kể có vì mục đích thương mại hay không. Đây là quy định mang tính thiết thực vì trong tình hình dịch bệnh COVID-19, một số hãng hàng không đã thực hiện các chuyên bay cứu trợ đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về nước, nhưng đã xảy ra những thiệt hại về sức khỏe hoặc tài sản của những cá nhân được đưa về.
Nhìn chung, với việc ban hành Nghị định 97, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện nỗ lực bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích của khách hàng sử dụng các dịch vụ hàng không.
II. NGHỊ ĐỊNH 100/2020/NĐ-CP
Tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19
Nghị định số 100/2020/NĐ-CP (“Nghị định 100“) về kinh doanh hàng miễn thuế được Chính phủ ban hành ngày 28/08/2020, có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.
So với văn bản hướng dẫn trước đó là Nghị định số 167/2016/NĐ-CP (“Nghị định 167“), Nghị định 100 đã bổ sung nhiều quy định nổi bật và thiết thực cho hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, sân bay quốc tế, v.v.
Thứ nhất, ngoài việc nhận hàng trực tiếp tại các cửa hàng miễn thuế hoặc quầy nhận hàng sau khi mua hàng, khách mua hàng (trừ khách mua hàng trên chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam) còn được phép nhận hàng ở nước ngoài. Điều này tạo sự thuận lợi cho người mua vì có thể nhận hàng hóa miễn thuế tại quốc gia đến mà không phải thực hiện các thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào nước nhập cảnh.
Thứ hai, các loại tiền được dùng trong giao dịch mua bán hàng miễn thuế đã có sự thay đổi. Cụ thể, so với Nghị định 167, Nghị định 100 đã quy định rõ đồng tiền dùng trong giao dịch tại cửa hàng miễn thuế, ngoài Đồng Việt Nam, là Đồng ngoại tệ đô la Mỹ (USD), euro (EUR) và Đồng tiền của quốc gia nơi các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam thực hiện nhập cảnh, quá cảnh tại quốc gia đó.
Thứ ba, trước đây Nghị định 167 chưa có quy định về hàng hóa được nhập khẩu từ khu phi thuế quan và kho ngoại quan, nay Nghị định 100 đã có quy định về việc phân chia hai (02) nguồn hàng chính đưa vào cửa hàng miễn thuế bao gồm: (i) hàng hóa tạm nhập khẩu từ nước ngoài, từ khu phi thuế quan, từ kho ngoại quan; và (ii) hàng hóa từ nội địa (bao gồm hàng sản xuất trong nước, hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu). Điều này giúp làm đa dạng các loại hàng hóa được bán các cửa hàng miễn thuế.
Thứ tư, liên quan đến việc xử lý hàng hóa bị đổ vỡ, hư hỏng, kém chất lượng… Nghị định 100 yêu cầu trước khi thực hiện tiêu hủy, doanh nghiệp phải có văn bản thông báo cụ thể về kế hoạch tiêu hủy cho cho Cục Hải quan và không quy định việc hủy bỏ phải thực hiện trước khi hết thời hạn tạm nhập, tái xuất của tờ khai. Sửa đổi này nhằm phù hợp với tình hình thực tế vì trong một số trường hợp, hàng hóa bị hư hỏng hoặc bị phát hiện kém chất lượng sau khi hết thời hạn tạm nhập, tái xuất của tờ khai.
Đánh giá một cách tổng thể, Nghị định 100 sẽ góp phần tạo sự thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế tại các cảng biển, cảng hàng không, cảng đường bộ quốc tế, đồng thời khắc phục những hạn chế trong quản lý nhà nước còn tồn tại sau hơn 03 (ba) năm thực hiện Nghị định 167.
III. NGHỊ ĐỊNH 122/2020/NĐ-CP
Hình thành quy trình liên thông giữa cơ quan đăng ký doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước khác trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Nghị định số 122/2020/NĐ-CP (“Nghị định 122”) quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp được Chính phủ ban hành ngày 15/10/2020, có hiệu lực cùng ngày.
Nghị định 122 ra đời nhằm hình thành sự liên thông trong quá thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh (“ĐKKD“) và các cơ quan nhà nước khác, đồng thời cắt giảm các thủ tục không cần thiết trong quá trình thành lập doanh nghiệp, như cấp mã số đơn vị, khai trình sử dụng lao động, sử dụng hóa đơn tự in, đặt in.
Cụ thể, Nghị định 122 quy định cơ chế phối hợp, liên thông giữa bốn thủ tục sau: (i) Đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, hoặc văn phòng đại diện (gọi chung là “Doanh Nghiệp“), (ii) Khai trình việc sử dụng lao động; (iii) Cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội; và (iv) Đăng ký sử dụng hóa đơn với cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả là cơ quan đăng ký kinh doanh. Cơ chế phối hợp, liên thông các thủ tục này phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tụcđăng ký thành lập Doanh Nghiệp, cùng với các thủ tục khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội và đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
Thứ hai, việc phối hợp, liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp, cơ quan quản lý lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế (“Các Cơ quan“) được thực hiện qua phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các hệ thống công nghệ thông tin.
Thứ ba, Các Cơ quan, trừ cơ quan đăng ký kinh doanh, không yêu cầu các Doanh Nghiệp cung cấp bản sao các Giấy chứng nhận đã được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp, các thông tin về đăng ký doanh nghiệp đã được chia sẻ từ cơ quan đăng ký kinh doanh trừ tên, mã số doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan.
Việc tích hợp nhiều thủ tục hậu đăng ký vào trong một thủ tục duy nhất có ý nghĩa rất lớn đối với những nhà đầu tư trong và ngoài nước, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho việc thực hiện các thủ tục hành chính.
IV. NGHỊ ĐỊNH 126/2020/NĐ-CP
Nhiều điểm mới tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thiểu chi phí tuân thủ thủ tục hành chính về thuế
Nghị định số 126/2020/NĐ-CP (“Nghị định 126”) quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế được Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020, thay thế cho Nghị định số 83/2013/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.
So với các Nghị định hướng dẫn về vấn đề quản lý thuế trước đó, Nghị định 126 có nhiều điểm mới tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thiểu chi phí tuân thủ thủ tục hành chính về thuế như bổ sung quy định về các trường hợp người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế gồm: Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế; Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp.
Ngoài quy định về việc cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế theo yêu cầu của Tổng Cục thuế nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận thì một quy định mới khác của Nghị định 126 cũng được rất nhiều doanh nghiệp đặc biệt chú ý đó là yêu cầu về số thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) tạm nộp của 03 (ba) quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm áp dụng bắt đầu từ kỳ tính thuế năm 2021. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 (ba) quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 03 (ba) đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước. Theo đánh giá của một số chuyên gia thì quy định nêu trên sẽ gây ra sự khó khăn cho các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh phát triển mạnh vào khoảng thời gian cuối năm.
Về hồ sơ khai thuế, Nghị định 126 bổ sung quy định về trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh. Quy định này được cho là nhằm vào các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ, như Grab, GoJek hay Be, v.v. Thời gian vừa qua, việc Grab tăng giá cước kèm theo tăng chiết khấu với tài xế với lý do Nghị định 126 đã làm tăng nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp này đã dấy lên nhiều luồng quan điểm khác nhau, đồng thời giữa Grab và Tổng Cục thuế đã có những bất đồng liên quan đến vấn đề này.
Có thể thấy rằng, Nghị định 126 sẽ tạo ra nhiều sự thay đổi đáng kể trong lĩnh vực quản lý thuế. Tác động của của những thay đổi này cần được các cơ quan nhà nước nói chung và Tổng Cục thuế nói riêng xem xét kỹ lưỡng và đưa ra các văn bản hướng dẫn phù hợp nhằm cân bằng lợi ích giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.
V. NGHỊ ĐỊNH 129/2020/NĐ-CP
Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam có thể mua nợ để chuyển thành vốn góp tại doanh nghiệp
Nghị định số 129/2020/NĐ-CP (“Nghị định 129”) được Chính phủ ban hành ngày 27/10/2020, quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (“DATC”), có hiệu lực từ ngày 10/12/2020.
Theo đó, DATC có các chức năng, nhiệm vụ (i) hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản; (ii) mua, xử lý các khoản nợ và tài sản trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại DATC; ưu tiên tập trung nguồn lực của DATC để hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo cơ chế thị trường; và (iii) các nhiệm vụ khác được giao bởi Chính Phủ, Thủ Tướng Chính Phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu ngoại giao.
Đặc biệt, tại Nghị định 129, Chính phủ đã có cơ chế đặc thù hoạt động của DATC về tái cơ cấu thông qua hoạt động mua bán nợ.
Cụ thể, DATC được thực hiện cơ chế hỗ trợ quá trình chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sở hữu, các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh. Cho phép DATC được phép hỗ trợ về tài chính đối với các doanh nghiệp tái cơ cấu. Nghị định 129 còn cho phép DATC hỗ trợ bằng hình thức cho vay vốn bằng chính nguồn vốn kinh doanh của mình đối với các doanh nghiệp DATC sở hữu trên 50% vốn đang gặp khó khăn về tài chính; và được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
Nhà nước là chủ sở hữu của DATC. Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với DATC. Bộ Tài chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo phân công, phân cấp của Chính phủ.
VI. NGHỊ ĐỊNH 124/2020/NĐ-CP
Người khiếu nại có thể ủy quyền cho luật sư thực hiện việc khiếu nại
Nghị định số 124/2020/NĐ-CP (“Nghị định 124”) được Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại 2011 thay thế cho Nghị định số 75/2012/NĐ-CP (“Nghị định 75”) ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại, có hiệu lực từ ngày 10/12/2020.
Về hình thức khiếu nại, Nghị định số 124 đã chính thức có quy định về mẫu đơn khiếu nại. So với Nghị định 75, sự bổ sung mới mẫu đơn khiếu nại đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tiếp công dân trong quá trình tiếp, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, phân loại, xử lý đơn khi thống nhất mẫu đơn áp dụng chung cho công dân đến khiếu nại.
Điểm mới đáng lưu ý nhất của Nghị định 124 đó là việc người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trước đây, Nghị định 75 không ghi nhận việc ủy quyền cho người khác khiếu nại thay mình mà chỉ quy định khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại điện để trình bày nội dung khiếu nại và người đại diện phải là người khiếu nại. Theo đó, việc ủy quyền phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện. Có thể thấy quy định mới hoàn toàn về việc ủy quyền cho người khác thực hiện khiếu nại này sẽ góp phần bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
Trên đây là một số điểm mới đáng lưu ý của Nghị định 124 có hiệu lực chính thức vào ngày 10/12/2020. Những điểm mới của Nghị định số 124 sẽ góp phần quan trọng trong công tác giải quyết khiếu nại hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khiếu nại, thể hiện bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân và vì dân.
VII. NGHỊ QUYẾT 164/NQ-CP
Gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị
Ngày 05/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP (“Nghị quyết 164”) tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP (Nghị định 11”) ngày 14/01/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị, có hiệu lực từ ngày 05/11/2020.
Trước đây, để tiến hành thủ tục đầu tư trong lĩnh vực xây dựng đô thị, các doanh nghiệp sẽ buộc phải tuân thủ cả hai loại thủ tục: Một là, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư (dưới hình thức văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP hoặc dưới hình thức quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2014); Hai là, thủ tục chấp thuận đầu tư theo Nghị định 11. Điều đáng nói là, xét về mặt hồ sơ, nội dung thẩm định và cơ quan có thẩm quyền xem xét thì hai thủ tục này gần như giống nhau. Như vậy, một dự án phải qua hai lần xét duyệt ở cùng cấp quyết định. Sự chồng chéo này vừa gây lãng phí và chậm trễ về thủ tục, vừa khiến ách tắc và suy giảm về nguồn cung và là một trong những yếu tố chính khiến giá bất động sản đô thị leo thang trong thời gian qua.
Dù ra đời khá muộn, nhưng Nghị quyết 164 đã đưa ra phương án tháo gỡ vướng mắc trên. Theo đó, việc áp dụng thủ tục đầu tư dự án khu đô thị kể từ ngày 01/7/2015 (ngày có hiệu lực của Luật Nhà ở 2014 và Luật Đầu tư 2014) cho đến ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực (tức 01/01/2021) sẽ thực hiện theo hướng chỉ áp dụng theo thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở 2014 hoặc Luật Đầu tư 2014 chứ không áp dụng thêm thủ tục chấp thuận đầu tư dự án khu đô thị theo Nghị định 11. Với những dự án đã thực hiện cả hai thủ tục này thì sẽ thực hiện theo các quyết định phê duyệt đã có. Dự án chưa thực hiện theo Nghị định 11 thì sẽ không phải thực hiện thủ tục này nữa.
Tinh thần áp dụng một thủ tục đầu tư thống nhất tại Nghị quyết 164 nói trên đã được thể hiện trong Luật Đầu tư 2020. Theo đó, chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở, khu đô thị sẽ chỉ phải làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo duy nhất Luật Đầu tư, sau đó mới triển khai các thủ tục khác theo quy định của luật chuyên ngành. Theo Luật Nhà ở hiện hành, nhà đầu tư chỉ được chỉ định làm chủ đầu tư dự án nhà ở khi đáp ứng đủ điều kiện làm chủ đầu tư theo quy định và có sẵn quyền sử dụng đất ở hợp pháp. Điều này đã dẫn đến rất nhiều bất cập, thậm chí là trớ trêu trong quá trình phát triển dự án nhà ở.
Như vậy, cùng với nhiều văn bản như Nghị định số 25/2020/NĐ-CP về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được ban hành từ đầu năm, Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 25/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, Nghị quyết 164 và Luật Đầu tư 2020, một số điểm nghẽn pháp lý quan trọng của thị trường bất động sản tồn tại trong nhiều năm qua đã bước đầu được khơi thông.
VIII. THÔNG TƯ 04/2020/TT-BKHCN
Thay đổi tiêu chí xác định dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao
Thông tư số 04/2020/TT-BKHCN (“Thông tư 04”) được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (“BKHCN“) ban hành ngày 28/9/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2011/TT-KHCN (“Thông tư 32”) ngày 15/11/2011 của Bộ trưởng BKHCN quy định về việc xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.
Sau hơn 09 năm thực hiện, những tiêu chí xác định dự án ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong Thông tư 32 đã không còn phù hợp, đòi hỏi phải có những tiêu chí cụ thể hơn. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNC và các chuyên gia, BKHCN đã xây dựng và ban hành Thông tư 04 nhằm đưa ra những tiêu chí cụ thể cũng như quy định về thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng CNC, doanh nghiệp (DN) thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNC, DN CNC, cụ thể là:
Thứ nhất, về công nghệ, nếu như Thông tư 32 quy định rõ dự án ứng dụng CNC phải có công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg (hết hiệu lực ngày 15/01/2015), thì Thông tư 04 chỉ quy định công nghệ phải thuộc Danh mục vừa nêu được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Điều này nhằm phù hợp với thực tế vì Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển có thể thay đổi theo từng thời điểm.
Thứ hai, với mỗi tiêu chí về lao động và chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, Thông tư 04 chỉ yêu cầu một số người lao động nhất định có trình độ từ cao đẳng trở lên thay vì đại học như Thông tư 32. Đáng chú ý, phí bản quyền, li-xăng theo hợp đồng chuyển giao được ứng dụng trong dự án và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ cũng được xem là một trong những chi phí cho hoạt động ứng dụng CNC của dự án.
Thứ ba, yêu cầu về hệ thống quản lý chất lượng của dự án cũng đã có sự thay đổi và mở rộng. Nếu như Thông tư 32 trước đó yêu hệ thống quản lý đạt một trong các tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2008, CMM hoặc GMP, thì các tiêu chuẩn quốc gia trong Thông tư 04 đã được mở rộng thành các tiêu chuẩn TCVN ISO 9001, HACCP, CMM, GMP hoặc chứng chỉ, chứng nhận có giá trị tương đương, tùy theo đặc thù từng dự án.
Thứ tư, về mặt tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiết kiệm năng lượng, Thông tư 04 cũng đã bổ sung thêm trường hợp nếu chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam đối với các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm thì sẽ áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.
Nhìn chung, việc BKHCN ban hành một bộ tiêu chí xác định mới cụ thể và rõ ràng hơn sẽ là động lực cho các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất sản phẩm CNC hoặc dự án ứng dụng CNC đạt được các tiêu chí này để được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật.