I. NGHỊ ĐỊNH 135/2020/NĐ-CP
Thay đổi độ tuổi nghỉ hưu của người lao động kể từ ngày 01/01/2021
Nghị định số 135/2020/NĐ-CP (“Nghị định 135”) do Chính Phủ ban hành ngày 18/11/2020 hướng dẫn quy định của Bộ luật lao động 2019 về tuổi nghỉ hưu, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Theo Bộ luật lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động (“NLĐ”) trong điều kiện lao động bình thường sẽ được điều chỉnh theo lộ trình: (i) đạt 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028; (ii) và đạt 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Cụ thể hóa nội dung này, theo Nghị định 135 quy định, kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 03 tháng và tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 55 tuổi 04 tháng; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đạt số tuổi như trên.
Tuy nhiên, NLĐ có quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (không thấp hơn 05 tuổi) so với tuổi nghỉ hưu bình thường trong trường hợp: (i) NLĐ có từ đủ 15 năm trở lên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; (ii) NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; v.v. Đồng thời, NLĐ cũng có quyền nghỉ hưu ở tuổi lao động cao hơn (không quá 05 tuổi) so với tuổi nghỉ hưu bình thường trong trường hợp NLĐ có trình độ chuyên môn cao mà có thỏa thuận với người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) được tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu.
Nhận thấy rằng, quy định về tuổi nghỉ hưu là một vấn đề quan trọng có tác động đến kinh tế – xã hội sâu sắc.Việc tăng tuổi nghỉ hưu là quy định nhằm đón đầu thách thức già hóa dân số; giải quyết mục tiêu vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xã hội, vừa cân đối để đảm bảo công ăn việc làm, bảo toàn và phát triển bền vững quỹ bảo hiểm, giải quyết hài hòa việc bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới. Ngoài ra, việcđiều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng dần theo thời gian và được tiến hành theo lộ trình như trên cho thấy mục đích của Chính phủ là nhằm tránh gây sốc cho thị trường lao động hiện tại. Mỗi năm chỉ tăng thêm 03 tháng tuổi nghỉ hưu sẽ làm “dòng chảy” của thị trường lao động chậm lại chứ không bị “tắc nghẽn” do số lượng NLĐ vốn dĩ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định cũ lại tiếp tục làm việc thêm một năm. Đồng thời, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình sẽ tạo tâm lý tốt hơn cho xã hội, cho NLĐ cũng như NSDLĐ trong việc “thích nghi” với chế định có sự thay đổi đáng kể này.
II. NGHỊ ĐỊNH 145/2020/NĐ-CP
Hướng dẫn một số quy định về điều kiện lao động và quan hệ lao động trong Bộ luật lao động 2019
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP (“Nghị định 145”) do Chính phủ ban hành ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động, có hiệu lực từ ngày 01/02/2021.
1. Quy định thêm điều kiện ràng buộc khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù
Theo đó, một số ngành, nghề, công việc đặc thù như: thành viên tổ lái tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không, nhân viên điều độ, khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; v.v.
Đối với các ngành, nghề nêu trên, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải tuân thủ thời hạn báo trước như sau:
- Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên.
- Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.
Nhận thấy rằng, đây là quy định có lợi cho NSDLĐ hoạt động trong các ngành, nghề, lĩnh vực mang tính chất đặc thù. Chính vì mang tính chất đặc thù nên khi xảy ra trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, NSDLĐ sẽ có đủ thời gian để tìm kiếm người lao động khác thay thế.
2. Bổ sung thêm thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương
Nhằm gia tăng quyền quyền lợi của NLĐ, Nghị định 145 đã bổ sung những thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương, như:
- Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia vào lao động; mức lương sẽ do các bên thỏa thuận;
- Thời giờ mà NLĐ là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 176 Bộ luật lao động 2019;
- Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
- V.v.
3. Gia tăng quyền lợi cho lao động nữ
Trên tinh thần của Bộ luật lao động năm 2019, Nghị định số 145 đã đưa ra một số quy định mới nhằm tạo điều kiện cho lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới như sau:
- Ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ;
- Ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn;
- Tạo điều kiện để lao động nữ đang mang thai được nghỉ khám thai nhiều hơn 05 lần trong thời gian mang thai, mỗi lần nghỉ 01 ngày;
- Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ có quyền nghỉ hưởng lương mỗi ngày 60 phút để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Trường hợp NSDLĐ sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
Mặc dù tính thực thi của những quy định trên đây còn phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp. Nhưng nhìnchung Nghị định 145 đã thể hiện một cách rõ nét tinh thần nhân đạo sâu sắc của pháp luật lao động với mục đích bảo vệ một cách đúng mức và hợp lý đối với quyền lợi chính đáng mà NLĐ nữ nên được hưởng tại nơi làm việc.
4. Thay đổi tiền lương làm căn cứ để trả cho NLĐ đối với số ngày nghỉ hằng năm chưa sử dụng
Theo đó, tiền lương làm căn cứ trả cho NLĐ những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng NLĐ thôi việc, bị mất việc làm.
Quy định này hoàn toàn có lợi cho NLĐ so với quy định tương tự tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Theo Nghị định 05, tiền lương làm căn cứ để trả cho NLĐ trong trường hợp trên là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc, mất việc làm (nếu làm việc trên 06 tháng) hoặc tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc (nếu làm việc dưới 06 tháng).
5. Gia tăng trách nhiệm của các cơ quan ban ngành và NSDLĐ trong việc hỗ trợ NLĐ làm việc tại doanh nghiệp để hướng đến mục đích tạo điều kiện tốt nhất để NLĐ làm việc. Theo đó, Nghị định 145 bổ sung quy định về tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo tại nơi nhiều lao động:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (“UBND tỉnh”) có trách nhiệm bố trí quỹ đất xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo nơi có nhiều lao động; hoặc tạo điều kiện thuận lợi về đất, vốn vay cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo để phục vụ cho NLĐ
- Khuyến khích NSDLĐ tổ chức, xây dựng hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho UBND tỉnh để xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo.
6. Ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ
- Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
- Các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới, phòng và chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quy định này vừa có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động, là biện pháp nhằm tăng tính thực thi các quy định nâng cao và bảo vệ quyền lợi của lao động nữ được nêu ở trên.
III. NGHỊ ĐỊNH 152/2020/NĐ-CP
Quy định mới về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Nghị định số 152/2020/NĐ-CP (“Nghị định 152”) do Chính Phủ ban hành ngày 30/12/2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15/02/2021.
1. Bổ sung quy định về gia hạn giấy phép lao động (“GPLĐ”) của NLĐ nước ngoài còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày
Vấn đề xin cấp GPLĐ luôn là vấn đề mà các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm khi thuê lao động nước ngoài. Một nội dung mà các doanh nghiệp cần chú ý trong Nghị định 152 là GPLĐ của NLĐ nước ngoài còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày sẽ không được cấp lại như quy định theo Nghị định 11/2016/NĐ-CP (“Nghị định 11”) mà sẽ được gia hạn theo quy định mới. Việc cấp lại GPLĐ còn thời hạn chỉ áp dụng cho các trường hợp GPLĐ bị mất; hỏng; thay đổi họ và lên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc. GPLĐ chỉ được gia hạn một lần và tối đa là 02 năm.
2. Thay đổi quy định về đối tượng người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam
Nghị định 152 cũng thay đổi một số định nghĩa đối với các đối tượng người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam như:
- Đối với NLĐ nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, v.v. thì Nghị định 152 yêu cầu NLĐ đó phải được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục, thay vì chỉ 12 tháng như Nghị định 11;
- Đối với NLĐ nước ngoài là chuyên gia mà không có bằng đại học hoặc tương đương trở lên thì phải có 05 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà NLĐ nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
Đánh giá một cách tổng thể thì Nghị định 152 đã nâng cao yêu cầu về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm đối với NLĐ để được phép tham gia thị trường lao động tại Việt Nam, đồng thời bổ sung thêm các yêu cầu về kinh nghiệm làm việc mà không cần có bằng cấp, cho phép lao động nước ngoài có nhiều khả năng được lao động tại Việt Nam hơn.
3. Mở rộng đối tượng NLĐ nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ
So với Nghị định 11, Nghị định 152 đã bổ sung một số đối tượng không thuộc diện xin cấp GPLĐ như sau:
- Chủ sở hữu/ thành viên góp vốn của công ty TNHH (tại Việt Nam) hoặc chủ tịch/ thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần (tại Việt Nam), mà có giá trị góp vốn của mỗi công ty từ 3 tỷ đồng trở lên. Quy định này được đưa ra nhằm tránh việc nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng việc thành lập doanh nghiệp dưới mô hình công ty TNHH tại Việt Nam với số vốn điều lệ rất thấp hoặc mua một lượng nhỏ cổ phần để được miễn GPLĐ.
- Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại. Quy định này là phù hợp vì trên thực tế quá trình thành lập các hiện diện thương mại thường sẽ mất nhiều thời gian bởi thủ tục hành chính, thuê mặt bằng, xây dựng trụ sở, thuê lao động, v.v.
Từ những phân tích cơ bản trên đây, có thể thấy Chính phủ đã nhanh chóng nhận thức những thiếu sót trong các quy định pháp luật điều chỉnh việc cấp GPLĐ cho NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cũng như việc NLĐ Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và bổ sung, hoàn thiện trong Nghị định 152, qua đó góp phần tạo sự minh bạch, dễ dàng cho NLĐ nước ngoài để có thể làm việc tại Việt Nam, khuyến khích lao động các quốc gia khác đến Việt Nam sống và làm việc, tiến tới thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai.
IV. NGHỊ ĐỊNH 155/2020/NĐ-CP
Đồng bộ và thống nhất quy định liên quan đến điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng và tiêu chuẩn niêm yết cổ phiếu của công ty đại chúng
Nghị định số 155/2020/NĐ-CP (“Nghị định 155”) do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Trên tinh thần kế thừa về cơ bản các quy định từ Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (“Nghị định 58”), Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/06/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58 (“Nghị định 60”) và Thông tư số 162/2015/TT-BTC ngày 26/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán cổ phiếu để hoán đổi, phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu (“Thông tư 162”), Nghị định 155 đã có những sửa đổi, bổ sung đáng lưu ý sau đây:
Đối với quy định chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông công ty đại chúng, Nghị định 155 về cơ bản giữ nguyên các quy định về chào bán cổ phiếu của “cổ đông lớn” trong công ty đại chúng theo quy định tại Nghị định số 58, ngoại trừ thay đổi chủ thể chào bán từ “cổ đông lớn” sang “cổ đông” để phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán 2019. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cổ đông trong các công ty quy mô lớn bán cổ phiếu thông qua hình thức chào bán ra công chúng và giúp các doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, Nghị định 155 còn quy định cổ phiếu được chào bán phải là cổ phiếu của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định của Luật Chứng khoán 2019. Trường hợp cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức, phương án chào bán cổ phiếu phải được cấp có thẩm quyền của tổ chức đăng ký chào bán thông qua theo quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành và điều lệ của cổ đông đăng ký chào bán.
Tiếp đó, Nghị định 115 đã bổ sung quy định về việc phát hành cổ phần của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) chuyển đổi thành công ty cổ phần. Việc bổ sung các quy định về chào bán cổ phiếu để chuyển đổi công ty TNHH thành công ty cổ phần là cần thiết nhằm đảm bảo tính thống nhất với quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2020. Về tổng thể, điều kiện và hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng để chuyển đổi công ty TNHH thành công ty cổ phần tương tự hồ sơ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo Luật Chứng khoán 2019.Nhìn chung, Nghị định 155 quy định rất chi tiết về các hình thức, điều kiện, hồ sơ đối với thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng, điều kiện niêm yết cổ phiếu; và cùng với Nghị định 153/2020 ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, Nghị định 155 sẽ góp phần đảm bảo cho việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán được đồng bộ và thống nhất trong thời gian tới.
V. NGHỊ ĐỊNH 01/2021/NĐ-CP
Quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 08 thủ tục với 16 ngày xuống chỉ còn 03 thủ tục với 06 ngày
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP (“Nghị định 01”) do Chính Phủ ban hành ngày 04/01/2021 quy định về đăng ký doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 04/01/2021.
So với quy định trước đây, Nghị định 01 bổ sung thêm một trường hợp không được đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cụ thể là khi doanh nghiệp đang trong tình trạng pháp lý “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký”. Cùng với đó, hai trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động được bổ sung mới, đó là: (i) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện là giả mạo và (ii) Theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật. Việc bổ sung thêm các trường hợp trên góp phần giúp các cơ quan có thẩm quyền có thể xác minh thực tế tình trạng hoạt động của doanh nghiệp và từ đó hoàn thiện các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt là xử lý triệt để hành vi kê khai không trung thực, không chính xác, giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, xử lý các doanh nghiệp “bỏ trốn, mất tích” nhằm tăng tính răn đe và góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, an toàn.
Nghị định 01 cũng bổ sung thêm một cộng đồng doanh nghiệp mới được phép thực hiện đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh, đó là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam để thống nhất với sự thay đổi theo quy định của Luật Chứng khoán 2019.
Đặc biệt, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, các giải pháp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính được Chính phủ thể chế hóa trong Nghị định 01 chính là điểm mới nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, từ ngày 04/01/2021, 04 thủ tục sau sẽ được tích hợp vào 01 quy trình và được liên thông thực hiện: (i) Đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện; (ii) Khai trình sử dụng lao động; (iii) Cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội; (iv) Đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chỉ phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, kê khai 01 biểu mẫu, thực hiện thủ tục tại 01 cơ quan là cơ quan đăng ký kinh doanh và nhận 01 kết quả duy nhất. Các cơ quan nhà nước sẽ chia sẻ thông tin với nhau thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai ở nhiều nơi như trước đây. Toàn bộ quy trình trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thực hiện qua mạng điện tử. Sau khi triển khai những cải cách này, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 08 thủ tục với 16 ngày xuống chỉ còn 03 thủ tục với 06 ngày.Từ những sửa đổi, bổ sung nêu trêu, có thể thấy Nghị định 01 đã góp phần giúp cụ thể hoá những cải cách, đổi mới của Luật Doanh nghiệp 2020, đồng thời, khắc phục những bất cập, xử lý những vướng mắc trong thời gian qua. Nghị định 01 một lần nữa cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực cho phát triển đất nước thông qua các quy định có phạm vi tác động lớn và trực tiếp đến toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
VI. NGHỊ ĐỊNH 31/2021/NĐ-CP
Công bố 84 ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài
Nghị định số 31/2021/NĐ-CP (“Nghị định 31”) do Chính Phủ ban hành ngày 26/03/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 26/03/2021.
Khi Nghị định 31 được ban hành, điểm mới nổi bật và nhận được nhiều sự quan tâm nhất chính là việc Chính phủ đã chính thức công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) được đính kèm tại Phụ lục I của Nghị định này, cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật Đầu tư 2020. Danh mục này quy định cụ thể 25 ngành, nghề mà NĐTNN chưa được tiếp cận thị trường cùng 59 ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với NĐTNN. Như vậy, theo nguyên tắc chọn – bỏ của Luật Đầu tư, nếu chọn đầu tư vào các ngành, nghề ngoài 84 ngành nghề này, NĐTNN sẽ được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Cùng với đó, Nghị định 31 cũng quy định rõ các điều kiện tiếp cận thị trường đối với NĐTNN trong các ngành, nghề quy định tại Phụ lục I này sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, tập hợp và đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư.Qua đó có thể thấy, để bảo đảm tính khả thi và minh bạch trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư 2020, Nghị định 31 đã cụ thể hóa một số quy định về ngành, nghề mà NĐTNN hạn chế tiếp cận theo nguyên tắc chọn – bỏ hay quy trình minh bạch, rõ ràng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư nhằm mục đích tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ chế bảo hộ, khuyến khích đầu tư phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam, thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, đồng thời bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc và chất lượng. Nghị định được kỳ vọng sẽ đem lại sự thống nhất về ngành, nghề đầu tư kinh doanh; các ưu đãi và bảo đảm đầu tư; sự minh bạch trong quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giám sát và cũng như đánh giá đầu tư.
VII. NGHỊ ĐỊNH 35/2021/NĐ-CP
Dự án trong lĩnh vực lưới điện, nhà máy điện phải có quy mô từ 1.500 tỷ đồng trở lên
Nghị định số 35/2021/NĐ-CP (“Nghị định 35”) do Chính Phủ ban hành ngày 29/03/2021 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 29/03/2021.
Theo đó, Nghị định 35 hướng dẫn 13 nội dung của Luật PPP, gồm: lĩnh vực, quy mô dự án; thành lập, tổ chức, hoạt động của Hội đồng thẩm định; quy trình dự án PPP; trình tự chuẩn bị dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất; quy trình tổng quát lựa chọn nhà đầu tư; xử lý tình huống trong lựa chọn nhà đầu tư; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu; hướng dẫn lập hợp đồng mẫu đối với từng nhóm hợp đồng; nội dung phát sinh liên quan đến các trường hợp chuyển tiếp.
Trong đó, một số lĩnh vực đầu tư, quy mô dự án PPP được quy định như sau:
- Từ 1.500 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực giao thông vận tải.
- Từ 1.500 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực lưới điện, nhà máy điện, v.v.
- Từ 200 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực thủy lợi; cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải.
- Từ 100 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực y tế.
- Từ 100 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực giáo dục – đào tạo.
- Từ 200 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực hạ tầng công nghệ thông tin.
Có thể thấy, việc ban hành Nghị định 35 này sẽ góp phần vào việc hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư theo phương thức PPP phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiệm cận dần với thông lệ quốc tế nhằm tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án. Đồng thời, Nghị định 35 góp phần xây dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch nhằm khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư.