I. NGHỊ QUYẾT 68/2021/NQ-CP
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Nghị quyết 68/NQ-CP (“Nghị quyết 68”) về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được Chính phủ ban hành ngày 01/07/2021, có hiệu lực từ ngày ban hành.Sau đây là một số nội dung chính đáng chú ý của Nghị quyết 68 liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp:
1. Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Đối tượng: Người sử dụng lao động;
- Nội dung hỗ trợ: Áp dụng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 0% (thay vì 0.5%) vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Thời gian: Từ ngày 01/07/2021 đến hết ngày 30/06/2022.
2. Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
- Đối tượng: Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4 năm 2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4 năm 2021;
- Nội dung hỗ trợ: Người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất;
- Thời gian: 06 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.
3. Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động
- Đối tượng: Người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, có thay đổi cơ cấu công nghệ, có doanh thu quý trước liền kề giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc 2020 và có phương án đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động;
- Nội dung hỗ trợ: Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/ người lao động/ tháng;
- Thời gian: Tối đa 06 tháng. Thời hạn nộp hồ sơ từ 01/07/2021 đến 30/06/2022.
4. Chính sách cho vay trả lương ngừng việc
- Đối tượng: Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn sử dụng người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 01/05/2021 đến hết ngày 31/03/2022;
- Nội dung hỗ trợ: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc.Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 03 tháng;
- Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
4. Chính sách cho vay trả lương phục hồi sản xuất
- Đối tượng: Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/05/2021 đến hết ngày 31/03/2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh; vàNgười sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 01/05/2021 đến hết ngày 31/03/2022;
- Nội dung hỗ trợ: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 03 tháng;
- Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
II. NGHỊ ĐỊNH 70/2021/NĐ-CP
Phải xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu trong vòng 24 giờ
Nghị định số 70/2021/NĐ-CP (“Nghị định 70“) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP (“Nghị định 181”) ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáođược Chính phủ ban hành ngày 20/07/2021, có hiệu lực từ ngày 15/09/2021.
Nghị định 70 được ban hành với một số quy định mới đáng chú ý liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới như sau:
Nhận thấy rằng quy định về việc “tổ chức, cá nhân Việt Nam có hàng hóa, dịch vụ muốn quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam” tại Nghị định 181 đã không còn phù hợp với thực tiễn và gây khó khăn cho nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoạt động dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cũng như cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm soát, Nghị định 70 đã bãi bỏ quy định này. Thay vào đó, Nghị định 70 cho phép người sử dụng quảng cáo tại Việt Nam có thể trực tiếp ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới (như Google, Facebook, Youtube…). Cùng với đó, Nghị định 70 đặt ra yêu cầu đối với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo ở trong nước, và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Một điểm mới quan trọng khác, so với trước đây, Nghị định 70 quy định mới và cụ thể hóa đối với quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung quảng cáo vi phạm và bổ sung chế tài xử lý nếu không tuân thủ theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Cụ thể, sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu. Nếu không xử lý đúng thời hạn mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật. Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các quảng cáo vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tin dùng để duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Trong bối cảnh ngày càng nhiều quảng cáo mang nội dung lừa đảo, phản cảm, vi phạm pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục ngày ngày được đăng tải tràn lan trên các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới, Nghị định 70 được ban hành với những quy định sửa đổi, bổ sung trực tiếp điều chỉnh một số hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, được kỳ vọng sẽ góp phần làm lành mạnh hóa môi trường không gian mạng, tạo cơ hội bình đẳng cho các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo nghiêm túc và chính đáng.
III. THÔNG TƯ 40/2021/TT-BTC
Shopee, Tiki, Lazada, … phải khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế
Thông tư số 40/2021/TT-BTC (“Thông tư 40”) hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh do Bộ Tài chính ban hành ngày 01/06/2021, có hiệu lực ngày 01/08/2021, thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm.
Theo đó, Thông tư 40 đã bổ sung thêm một số khoản doanh thu tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với hộ kinh doanh, cá nhân như:
- Các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán phải chịu thuế TNCN 0.5% và thuế GTGT 1%;
- Dịch vụ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số chịu thuế TNCN 2% và thuế GTGT 5%;
- Các hoạt động khác thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với mức thuế suất thuế GTGT 10% chịu thuế TNCN 1.5% và thuế GTGT 3%.
Tiếp đó, khi Thông tư 40 được ban hành đã tạo nên một làn sóng dư luận với nhiều ý kiến trái chiều và trở thành chủ đề nóng trên các mặt báo thời gian vừa qua bởi quy định mới về nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (như Shopee, Tiki, Lazada, …). Cụ thể, Thông tư 40 quy định tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân. Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh (họ tên; giấy tờ pháp lý; mã số thuế; số điện thoại; hàng hóa, dịch vụ cung cấp; tài khoản ngân hàng của người bán;…). Sỡ dĩ quy định này lại gây ra nhiều tranh cãi là bởi thực tế các sàn giao dịch thương mại điện tử không phải là đơn vị trả thu nhập cho người bán mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy, họ không thuộc đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai, khấu trừ, nộp thuế TNCN thay người bán.
Một quy định khác cũng gây xôn xao không kém liên quan đến trường hợp tính thuế GTGT và thuế TNCN của cá nhân cho thuê tài sản. Cụ thể, Thông tư 40 quy định “Cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng)”. Quy định này đã khiến nhiều người lo lắng khi cho rằng cho thuê nhà vắt sang hai năm cho dù doanh thu không đủ 100 triệu thì vẫn phải nộp thuế. Tuy nhiên Tổng Cục thuế đã có hướng dẫn, cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản. Như vậy, tương tự như trước đây, từ ngày 01/08/2021, nếu như doanh thu cho thuê tài sản dưới 100 triệu đồng/ năm, cá nhân cho thuê sẽ vẫn không phải nộp thuế.
Nhìn chung, Thông tư 40 chỉ bổ sung và quy định cụ thể thủ tục về mặt hành chính thuế, các nội dung về chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh của cá nhân vẫn đảm bảo theo các quy định của luật thuế hiện hành.
IV. THÔNG TƯ 09/2021/TT-BTNMT
Không còn bắt buộc nộp Giấy tờ về nhân thân khi thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai
Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT (“Thông tư 09”) về việc sửa đổi bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 30/06/2021, có hiệu lực từ ngày 01/09/2021.
Sau đây là một số điểm mới đáng chú ý của Thông tư 09:
Thứ nhất, không cần phải nộp Giấy tờ về nhân thân khi thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai. Điều này được ghi nhận tại khoản 5 Điều 11 Thông tư 09, theo đó, trường hợp nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận mà có yêu cầu thành phần là bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không yêu cầu người nộp hồ sơ phải nộp các giấy tờ này trong trường hợp dữ liệu quốc gia về dân cư được chia sẻ và kết nối với dữ liệu của các ngành, các lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực đất đai).
Thứ hai, bổ sung 02 trường hợp được cấp sổ đỏ mới khi đăng ký biến động. Theo đó, Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung các trường hợp được cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất bao gồm:
- Thửa đất được tách ra để cấp riêng Giấy chứng nhận đối với trường hợp Giấy chứng nhận đã được cấp chung cho nhiều thửa;
- Thay đổi toàn bộ các thông tin thửa đất do đo đạc lập bản đồ địa chính; thay đổi diện tích đất ở trong thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở do xác định lại diện tích đất ở theo quy định.
Thứ ba, chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp phải xin phép. Theo quy định trước đây, việc “chuyển nhượng đất thương mại, dịch vụ sang các loại đất khác thuộc đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp” thì không phải xin phép. Tuy nhiên, theo Thông tư 09 thì từ ngày 01/09/2021 nếu chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (như đất xây trụ sở, văn phòng đại diện, sân kho và nhà kho của tổ chức kinh tế, …) thì phải xin phép cơ quan có thẩm quyền.
Nhà nước ta đã hết sức nỗ lực trong việc số hoá các dữ liệu về dân cư nhằm đơn giản hoá và tăng hiệu quả trong quản lý dân cư cả nước. Các cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện tra cứu các thông tin của các chủ sử dụng đất như địa chỉ thường trú, hộ khẩu, các số định danh, số chứng minh nhân dân một cách dễ dàng, do đó việc xuất trình các loại giấy tờ này là không cần thiết và gây phiền hà cho người dân khi thực hiện các thủ tục.
Với những sửa đổi, bổ sung mới của Thông tư 09, những bất cập trong công tác quản lý đất đai, thủ tục hành chính phức tạp liên quan đến đất đai đã dần được khắc phục, những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tế cũng được bãi bỏ, từ đó góp phần củng cố hành lang pháp lý làm cơ sở để cơ quan nhà nước và người dân có thể dễ dàng áp dụng quy định pháp luật vào thực tế đời sống.
V. THÔNG TƯ 55/2021/TT-BCA
Từ ngày 01/07/2021, công dân có thể thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng thông qua ứng dụng trên thiết bị điện tử
Thông tư số 55/2021/TT-BCA (“Thông tư 55”) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú 2020 do Bộ Công an ban hành ngày 15/05/2021, có hiệu lực từ ngày 01/07/2021.
Thông tư 55 thay thế Thông tư số 35/2014/TT-BCA (“Thông tư 35”) ngày 09/09/2014 Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP (“Nghị định 31”) ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, với một số nội dung chính sau đây:
Theo quy định tại Thông tư 55, trường hợp công dân đến sinh sống tại chỗ ở khác trong cùng phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký cư trú để cập nhật thông tin về nơi ở hiện tại trong Cơ sở dữ liệu về cư trú nếu chỗ ở đó không đủ điều kiện đăng ký thường trú. Nội dung này trước đây chưa được quy định tại Thông tư 35 và Nghị định 31.
So với quy định trước đây, người thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng phải đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú để làm thủ tục, Thông tư 55 hiện đã bổ sung thêm 04 cách thức mà công dân có thể dễ dàng thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng như sau:
- Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú do cơ quan đăng ký cư trú quy định;
- Thông qua số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
- Thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú;
- Thông qua ứng dụng trên thiết bị điện tử.
Theo quy định này, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thông báo hoặc niêm yết công khai địa điểm, số điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử, địa chỉ trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú, tên ứng dụng trên thiết bị điện tử tiếp nhận khai báo tạm vắng.
Có thể thấy, Thông tư 55 được ban hành đã giúp hoàn thiện cơ sở pháp lý về đăng ký cư trú, đáp ứng yêu cầu của việc đăng ký, quản lý cư trú bằng phương thức mới. Cùng với những quy định hoàn toàn mới, Thông tư 55 cho thấy quyết tâm thực hiện chủ trương của Nhà nước trong việc hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý dân cư; bảo đảm tốt hơn tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về cư trú.
VI. NGHỊ ĐỊNH 58/2021/NĐ-CP
Công ty thông tin tín dụng phải có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng
Nghị định số 58/2021/NĐ-CP (“Nghị định 58”) quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng được Chính Phủ ban hành ngày 10/06/2021, có hiệu lực từ ngày 15/08/2021.
Nghị định 58 quy định về điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại, thay đổi nội dung và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng (“Giấy chứng nhận“); hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng và quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan, trừ hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cụ thể, “thông tin tín dụng” được Nghị định 58 định nghĩa là dữ liệu, số liệu, dữ kiện liên quan của khách hàng vay tại tổ chức tham gia của công ty thông tin tín dụng. Theo đó, Nghị định 58 quy định công ty thông tin tín dụng chỉ được thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định;
- Có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng;
- Có người quản lý doanh nghiệp, thành viên Ban kiểm soát đáp ứng yêu cầu theo quy định;
- Có phương án kinh doanh đảm bảo không kinh doanh ngành nghề khác ngoài hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng;
- Có tối thiểu 15 tổ chức tham gia là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô). Các tổ chức tham gia không có cam kết cung cấp thông tin tín dụng với công ty thông tin tín dụng khác.
- Có văn bản thỏa thuận về cung cấp thông tin, sản phẩm thông tin tín dụng giữa công ty thông tin tín dụng với tổ chức tham gia.
Đáng chú ý, công ty thông tin tín dụng phải khai trương hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận và gửi văn bản thông báo Ngân hàng Nhà nước về việc khai trương hoạt động trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày công ty thông tin tín dụng khai trương hoạt động. Nếu quá 12 tháng công ty thông tin tín dụng không khai trương thì sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.
Chính phủ ban hành Nghị định 58 quy định chi tiết một số nội dung của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017 nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng ngoài phạm vi hoạt động thông tin tín dụng của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Qua đó, góp phần làm minh bạch thông tin, cung cấp thêm nhiều sự lựa chọn cho việc tra cứu, rà soát, trao đổi thông tin và hạn chế các rủi ro không đáng có trong quá trình hoạt động tín dụng.
VII. THÔNG TƯ 58/2021/TT-BTC
Chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh
Ngày 12/07/2021 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 58/2021/TT-BTC (“Thông tư 58”) hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP (“Nghị định 158”) ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, có hiệu lực từ ngày 27/08/2021.
Về điều kiện giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư, Thông tư 58 quy định, nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tại thành viên giao dịch và tài khoản ký quỹ bù trừ (sau đây gọi là tài khoản ký quỹ) tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định. Trường hợp nhà đầu tư đã có tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở mở tại thành viên giao dịch, nhà đầu tư được phép sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán này để thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh sau khi đã mở tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định. Ngoài ra, trước khi đặt lệnh giao dịch, trong thời gian nắm giữ vị thế và khi thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư phải ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ. Nhà đầu tư phải đảm bảo giới hạn vị thế trên tài khoản giao dịch theo quy chế của Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Về chế độ báo cáo định kỳ, Thông tư 58 quy định như sau:
- Định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm: tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là thành viên giao dịch đặc biệt, ngân hàng thanh toán phải báo cáo bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
- Định kỳ bán niên: thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.
Một cách tổng quát, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 58 nhằm hướng dẫn các hoạt động giao dịch, bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, bao gồm: hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ; hoạt động của thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Các quy định về hoạt động nghiệp vụ tại Thông tư 58 áp dụng đối với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện cho đến khi Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động theo quy định tại Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14.