1. NGHỊ ĐỊNH 59/2022/NĐ-CP
Sử dụng tài khoản định danh điện tử thay cho căn cước công dân
Nghị định 59/2022/NĐ-CP (“Nghị định 59”) được Chính phủ ban hành ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử, có hiệu lực từ ngày 20/10/2022.
Theo quy định của Nghị định 59, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VNeID. Tài khoản định danh điện tử cho phép chủ thể định danh chứng minh các thông tin, cũng như thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử.
1. Việc đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài được thực hiện với hai (02) mức độ, tương ứng với những tính năng cơ bản khác nhau:
- Mức độ 1: Công dân đã có thẻ Căn cước công dân (“CCCD”) gắn chip điện tử và người nước ngoài đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VNeID. Với tài khoản mức độ 1, công dân, người nước ngoài có thể sử dụng để chứng minh các thông tin cơ bản trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.
- Mức độ 2: Công dân đã có hoặc chưa có thẻ CCCD gắn chip đăng ký tài khoản định danh điện tử tại Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ CCCD, người nước ngoài đăng ký tại Bộ Công an hoặc Công an cấp tỉnh. Với tài khoản mức độ 2, công dân, người nước ngoài có thể sử dụng để thay thế cho thẻ CCCD, hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, và các loại giấy tờ khác đã được đồng bộ vào tài khoản định danh như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế,…
2. Việc đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với tổ chức được thực hiện bởi người đại diện theo pháp luật, người đứng đầu tổ chức (đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2) thông qua ứng dụng VNeID. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử của tổ chức có giá trị chứng minh danh tính điện tử khi thực hiện giao dịch có yêu cầu chứng minh thông tin và cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ khác của tổ chức đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử.
Như vậy, việc ứng dụng tài khoản định danh điện tử có thể được xem là một trong những nỗ lực đột phá xuyên suốt quá trình xây dựng Chính phủ số, điều này cho phép người dân tinh giản các loại giấy tờ bản cứng cần phải mang theo mà vẫn có thể thực hiện các thủ tục hành chính, nhận thông báo về kết quả giải quyết dịch vụ công một cách thuận tiện, nhanh chóng và dễ dàng.
2. THÔNG TƯ 61/2022/TT-BTC
Xác định mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức cưỡng chế kiểm đếm và cưỡng chế thu hồi đất dựa trên khối lượng công việc thực tế
Thông tư 61/2022/TT-BTC (“Thông tư 61”) được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 05/10/2022, hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, có hiệu lực từ ngày 20/11/2022.
So với quy định trước đây tại Thông tư 74/2015/TT-BTC (“Thông tư 74”), Thông tư 61 có những điểm mới đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, đối với mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm (“Mức trích kinh phí”) được quy định như sau:
Trường hợp 1: Đối với các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, dự án, tiểu dự án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến: Mức trích kinh phí (nếu có) được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 61.
Trường hợp 2: Đối với các dự án, tiểu dự án không thuộc trường hợp 1 mà không phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm hoặc phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm: Mức trích kinh phí (chưa bao gồm kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm) không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án và sẽ được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 61.
Thứ hai, đối với quy trình lập dự toán kinh phí, trong khi Thông tư 74 không có sự phân biệt rõ đối với các dự án, tiểu dự án do Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện và dự án, tiểu dự án do Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện thì Thông tư 61 đã có quy định các dự án, tiểu dự án do Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện sẽ theo cơ chế tương tự như trường hợp dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, còn các dự án, tiểu dự án do Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện thì sẽ thực hiện theo quy trình riêng.
Qua đó có thể thấy rằng, Thông tư 61 ra đời đã khắc phục được những hạn chế từ thực tiễn áp dụng quy định cũ, góp phần thúc đẩy hoạt động tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư diễn ra được minh bạch và hiệu quả hơn.
3. NGHỊ ĐỊNH 69/2022/NĐ-CP
Gửi hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện các thủ tục hàng hải.
Nghị định 69/2022/NĐ-CP (“Nghị định 69”) được Chính phủ ban hành ngày 23/9/2022, sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực từ ngày 30/11/2022.
Sau đây cùng điểm qua những sửa đổi, bổ sung đáng chú ý của Nghị định 69:
Thứ nhất, bổ sung hình thức gửi hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện thủ tục giao tuyến dẫn tàu. Theo quy định cũ, công ty hoa tiêu chỉ được gửi hồ sơ đề nghị giao tuyến dẫn tàu trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính cho Cục Hàng hải Việt Nam.
Thứ hai, sửa đổi quy định về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển. Theo đó, Nghị định 69 quy định bổ sung thêm hình thức gửi hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đồng thời trong hồ sơ đề nghị cho phép doanh nghiệp cảng gửi bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phương án khai thác cảng biển.
Thứ ba, cắt giảm cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh lĩnh vực hàng hải như: cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển; thủ tục cấp và cấp lại Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng, cung ứng thuyền viên; thủ tục công bố mở bến cảng, cầu cảng, bến phao và khu nước, vùng nước; thủ tục phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm…
Như vậy, nhìn chung, các quy định tại Nghị định 69 đã góp phần đơn giản hóa và số hóa các thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh hàng hải, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp và giảm bớt chi phí tuân thủ khi thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực hiện so với trước đây.
4. THÔNG TƯ 12/2022/TT-NHNN
Bổ sung các trường hợp không cần thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài.
Thông tư số 12/2022/TT-NHNN (“Thông tư 22”) của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (“NHNN”) ban hành ngày 30/9/2022 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 15/11/2022.
Một số điểm mới nổi bật của Thông tư 22 so với những quy định cũ tại Thông tư 03/2016/TT-NHNN (“Thông tư 03”) được trình bày dưới đây:
Thứ nhất, đối với những khoản vay tự vay, tự trả, bên đi vay phải báo cáo trực tuyến tình hình thực hiện các khoản vay ngắn, trung và dài hạn tại Trang điện tử theo định kỳ hàng tháng, chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo. Trường hợp Trang điện tử gặp lỗi kỹ thuật không thể gửi được báo cáo thì bên đi vay gửi báo cáo bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư 22, so với trước đây tại Thông tư 03 không tồn tại quy định này.
Thứ hai, Thông tư 22 bổ sung thêm một số trường hợp thay đổi nội dung liên quan đến khoản vay mà bên đi vay thực hiện thông báo nội dung thay đổi trên Trang điện tử mà không cần thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài với NHNN so với Thông tư 03 như sau:
- Thay đổi tên giao dịch thương mại của ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm;
- Thay đổi kế hoạch trả lãi, phí của khoản vay so với kể hoạch đã được NHNN xác nhận nhưng không thay đổi cách xác định lãi, phí quy định tại thỏa thuận vay;
- Thay đổi số tiền rút vốn, trả nợ gốc, lãi, phí trong phạm vi 100 đơn vị tiền tệ của đồng tiền vay nước ngoài so với số tiền đã đăng ký;
- Thay đổi số tiền rút vốn, trả nợ gốc thực tế của một kỳ cụ thể ít hơn số tiền được nêu tại kế hoạch rút vốn, trả nợ.
Thứ ba, đối với những khoản vay phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 12 quy định thời hạn hoàn thành thanh toán dư nợ gốc trong vòng ba mươi (30) ngày làm việc kể từ thời điểm tròn một (01) năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên thay vì mười (10) ngày so với quy định cũ trước đó.
Qua đó có thể thấy rằng những quy định mới về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp được quy định thông thoáng hơn, điều này góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thuận tiện và linh hoạt hơn khi thực hiện các thủ tục liên quan đến việc vay, trả nợ nước ngoài cũng như giảm bớt sai phạm, thúc đẩy nâng cao hiệu quả quản lý và tạo được dòng tiền lưu thông phục vụ nền kinh tế.
5. NGHỊ ĐỊNH 55/2022/NĐ-CP
Hành vi bị cấm trong sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân
Nghị định 55/2022/NĐ-CP (“Nghị định 55”) được Chính phủ ban hành ngày 23/8/2022 quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, có hiệu lực từ ngày 10/10/2022.
Nghị định 55 có những nội dung nổi bật đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, Nghị định 55 quy định các hành vi bị cấm trong sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, bao gồm:
- Cố ý không cập nhật hoặc cập nhật thông tin, dữ liệu không đầy đủ, không chính xác; làm sai lệch thông tin, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái pháp luật trong cơ sở dữ liệu.
- Truy cập trái phép vào cơ sở dữ liệu.
- Khai thác, sử dụng, tiết lộ thông tin trong cơ sở dữ liệu trái pháp luật hoặc lợi dụng việc cung cấp thông tin đê trục lợi.
- Phá hủy, phá hoại, làm hư hỏng hoặc hủy hoại hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin hoặc cản trở quá trình vận hành, duy trì ổn định, liên tục của cơ sở dữ liệu.
Thứ hai, Nghị định 55 cũng quy định cụ thể các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu, bao gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Các ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh,…
Thứ ba, đối với các chủ thể không thuộc trường hợp quy định tại Nghị định 55 có yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu thì cơ quan được yêu cầu cung cấp thông tin có quyền từ chối, ngoài ra quyền từ chối này còn được áp dụng khi có căn cứ cho rằng yêu cầu đó trái pháp luật, vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Qua đó có thể thấy rằng các quy định của Nghị định 55 giữ vai trò hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thuận tiện trong việc quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phán ánh. Đồng thời, Nghị định 55 cũng nêu cao trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nắm giữ thông tin trong việc quản lý, khai thác những thông tin đó.
6. NGHỊ ĐỊNH SỐ 53/2022/NĐ-CP
Doanh nghiệp phải thực hiện lưu trữ dữ liệu của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam
Nghị định số 53/2022/NĐ-CP (“Nghị định 53”) do Chính phủ ban hành ngày 15/8/2022 quy định chi tiết về một số điều của Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ ngày 01/10/2022.
Sau đây cùng điểm qua một số nội dung đáng chú ý của Nghị định 53:
1. Về lưu trữ dữ liệu
Nghị định 53 quy định các loại dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam và các đối tượng phải lưu trữ dữ liệu.
Theo đó, các dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam bao gồm:
- Dữ liệu về thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam;
- Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra như: Tên tài khoản, thời gian sử dụng, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký;
- Dữ liệu về quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam như: Bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối, tương tác.
Đối tượng phải lưu trữ các dữ liệu trên bao gồm:
- Các doanh nghiệp trong nước;
- Doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thuộc các lĩnh vực: Dịch vụ viễn thông; cung cấp tên miền; thương mại điện tử; thanh toán trực tuyến; mạng xã hội và truyền thông xã hội; trò chơi điện tử,…
2. Về các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin
Nghị định 53 đã quy định rõ trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trên không gian mạng. Theo đó, các trường hợp áp dụng biện pháp bao gồm:
- Thông tin được cơ quan có thẩm quyền xác định là có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, gây rối trật tự công cộng;
- Có căn cứ pháp luật xác định thông tin có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế – xã hội đến mức phải yêu cầu xóa bỏ thông tin;
- Các thông tin khác có nội dung được quy định tại điểm c, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng.
3. Về các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu đình chỉ, tạm đình chỉ, thu hồi tên miền
Nghị định 53 cũng quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền được áp dụng đối với hai (02) trường hợp, đó là:
- Có tài liệu chứng minh hoạt động của hệ thống thông tin là vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, an ninh mạng;
- Hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Qua đó có thể thấy rằng, được ban hành trong bối cảnh hoạt động trên không gian mạng phát triển mạnh mẽ và có nhiều ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội ngày một rõ rệt, Nghị định 53 đóng vai trò cụ thể hóa các quy định của Luật An ninh mạng nhằm mục đích nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an ninh mạng, góp phần đảm bảo một không gian mạng lành mạnh, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào không gian mạng.