1. LUẬT CẠNH TRANH 2018
“Một số quy định mới trong lĩnh vực cạnh tranh“
Luật Cạnh tranh năm 2018 ngày 12/06/2018 của Chính Phủ, thay thế cho Luật Cạnh tranh năm 2004 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.
Luật Cạnh tranh mới đã bổ sung thêm quy định, theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan là một trong những đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh mới, trước đó, Luật cũ không có quy định này.
Đáng chú ý, Luật mới đã bỏ ngưỡng giới hạn của hành vi tập trung kinh tế. Trước đây, Luật cũ quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% thị trường liên quan; nay, Luật mới chỉ cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoắc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.
Đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, Luật mới đã quy định cụ thể mức phạt tiền tối đa đối với một số trường hợp, cụ thể: (i) vi phạm quy định về tập trung kinh tế: phạt tối đa 5% tổng doanh thu của doanh nghiệp trên thị trường liên quan; (ii) vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh: phạt tối đa 2 tỷ đồng; vi phạm khác: phạt tối đa 200 triệu đồng. Đối với cá nhân, mức phạt được xác định bằng ½ so với mức phạt áp dụng cho tổ chức.
2. NGHỊ ĐỊNH 81/2018/NĐ-CP
“Quy định chi tiết về hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại“
Nghị định số 81/2018/NĐ-CP (“Nghị định 81”) ngày 22/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động xúc tiến thương mại theo Luật Thương mại 2005 có hiệu lực từ ngày 15/07/2018, thay thế Nghị định số 37/2006/NĐ-CP.
So với quy định cũ, Nghị định 81 đã quy định chi tiết, rõ ràng hơn liên quan đến vấn đề hạn mức tối đa khuyến mại để tránh sự nhầm lẫn khi thực hiện. Theo đó, phạm vi các trường hợp thương nhân được thực hiện các chương trình khuyến mại với hạn mức tối đa về giá trị khuyến mại được vượt quá 50% đã được mở rộng bao gồm tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.
Bên cạnh đó, Nghị định 81 cũng mở rộng phạm vi mà thương nhân được thực hiện các chương trình khuyến mại với hạn mức tối đa về tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, bao gồm hoạt động tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền không kèm theo việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.
Ngoài ra, Nghị định 81 đã bổ sung quy định mới về hoạt động khuyến mại theo phương thức đa cấp, theo đó, doanh nghiệp không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp sẽ không được thực hiện khuyến mại theo mô hình đa cấp.
3. NGHỊ ĐỊNH 87/2018/NĐ-CP (DN)
“Một số thay đổi về điều kiện kinh doanh khí của thương nhân“
Nghị định 87/2018/NĐ-CP (“Nghị định 87”) ngày 15/06/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh khí có hiệu lực từ ngày 01/08/2018, thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP (“Nghị định 19”).
Nghị định 87 bổ sung, loại bỏ một số điều kiện khi kinh doanh khí so với Nghị định 19 như sau:
Đối với thương nhân nhập khẩu, xuất khẩu khí: ngoài những điều kiện trước đây còn phải đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật; riêng đối với thương nhân xuất nhập khẩu LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) loại bỏ điều kiện có trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoặc có hợp đồng thuê nạp LPG vào chai với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối khác; có hệ thông phân phối LPG.
Đối với thương nhân sản xuất, chế biến khí: bổ sung thêm các điều kiện như: dây chuyền, máy, thiết bị đã được kiểm định theo quy định; đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Đối với thương nhân pha chế khí, Nghị định 19 chỉ cho phép thương nhân kinh doanh dầu khí đầu mối mới được thực hiện pha chế khí. Tuy nhiên, nay, thương nhân sản xuất, chế biến khí và thương nhân xuất nhập khẩu sẽ được thực hiện pha chế khí.
4. NGHỊ ĐỊNH 86/2018/NĐ-CP
“Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục“
Nghị định số 86/2018/NĐ-CP (“Nghị định 86”) ngày 06/06/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực từ ngày 01/08/2018, thay thế Nghị định số 73/2012/NĐ-CP (“Nghị định 73”) và Nghị định 124/2014/NĐ-CP.
Một trong những điểm mới của Nghị định 86 là không cho phép nhà đầu tư nước ngoài liên kết đào tạo các ngành về an ninh, quốc phòng, chính trị và tôn giáo, mà giới hạn chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư trong nước và của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư thành lập cơ sở giáo dục.
Vấn đề về liên kết giáo dục đã được quy định tại Nghị định 86 mở ra khả năng nâng cao chất lượng giáo dục bởi có thể liên kết giữa cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục tại Việt Nam với các cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài. Đây được xem là điểm mới so với Nghị định 73 khi chỉ quy định về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thành lập tại Việt Nam với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.
Về vốn đầu tư, Nghị định đã điều chỉnh tăng mức vốn tối thiểu để thành lập trường đại học có vốn góp nước ngoài lên 1.000 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí sử dụng đất) và đến thời điểm thẩm định đã thực hiện đầu tư trên 500 tỷ đồng.
5. THÔNG TƯ 15/2018/TT-NHNN
“Cấm ngân hàng mua trái phiếu phát hành có mục đích cơ cấu nợ cho doanh nghiệp“
Thông tư 15/2018/TT-NHNN (“Thông tư 15”) ngày 18/06/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN (“Thông tư 22”) quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (“TCTD”) mua trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 02/08/2018.
So với Thông tư 22, Thông tư 15 đã làm rõ việc quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, khi mua trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro theo đánh giá của TCTD càng phải được kiểm soát nội bộ nghiêm ngặt nhằm phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp.
Các TCTD phải quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này.
Đặc biệt, Thông tư 15 đã bổ sung quy định rằng các TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.
Như vậy, nhằm phù hợp với các quy định khác của pháp luật liên quan và tình hình thực tế về hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng và với mục đích để tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng thì nay các TCTD sẽ bị hạn chế khi mua trái phiếu doanh nghiệp.
6. THÔNG TƯ 15/2018/TT-BCT
“Chế độ ưu tiên Luồng Xanh trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa“
Thông tư số 15/2018/TT-BCT (“Thông tư 15”) ngày 29/06/2018 của Bộ Công thương về việc phân luồng trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi có hiệu lực từ ngày 15/08/2018.
Chế độ ưu tiên Luồng Xanh trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (“C/O”) ưu đãi áp dụng với: (i) thương nhân là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín; (ii) thương nhân được Bộ Công thương công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan; hoặc (iii) thương nhân không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất trước thời điểm đề nghị xét duyệt chế độ Luồng Xanh; có hệ thống lưu trữ hồ sơ (hồ sơ giấy và điện tử) đầy đủ đảm bảo chứng minh tính xác thực của C/O và xuất xứ hàng hóa trong thời hạn lưu trữ; thực hiện quy trình khai báo C/O điện tử qua www.ecosys.gov.vn và có tần suất đề nghị cấp ít nhất 30 bộ C/O ưu đãi/năm.
Theo Thông tư 15, chế độ Luồng Xanh trong quá trình cấp C/O ưu đãi có những ưu tiên sau:
- Được miễn, giảm một số chứng từ trong hồ sơ đề nghị cấp C/O;
- Được gia hạn thời gian nộp chậm chứng từ trong vòng 45 ngày làm việc kể từ ngày cấp C/O đối với các chứng từ được phép nộp chậm theo quy định;
- Thời gian xử lý hồ sơ dưới dạng bản giấy tối đa là 06 giờ làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ;
- Được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa và cơ sở sản xuất trong quá trình đề nghị cấp C/O ưu đãi.
7. NGHỊ ĐỊNH 128/2018/NĐ-CP
“Thay đổi điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa“
Nghị định số 128/2018/NĐ-CP (“Nghị định 128”) ngày 24/09/2018 của Chính phủ quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa, có hiệu lực từ ngày ban hành.
Theo đó, hộ kinh doanh sẽ không còn được kinh doanh vận tải thủy nội địa, lĩnh vực này chỉ cấp phép cho doanh nghiệp và hợp tác xã.
Nghị định 128 đã bãi bỏ điều kiện chung để kinh doanh vận tải đường thủy nội địa như: phương tiện phải đảm bảo an toàn kỹ thuật, phù hợp với hình thức kinh doanh; thuyền viên phải có chứng chỉ chuyên môn, đủ tiêu chuẩn sức khỏe v.v. Đồng thời, bãi bỏ các điều kiện cụ thể đối với các hình thức kinh doanh vận tải đường thủy nội địa cụ thể như: (i) kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến; (ii) kinh doanh vận chuyển khách du lịch; (iii) kinh doanh vận tải hành khách ngang sông; và (iv) kinh doanh vận tải hàng hóa.