Tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành lấy ý kiến Dự thảo thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (“Dự thảo”)[1], trong đó đáng lưu ý là việc quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu, dù trực tiếp hoặc gián tiếp, tối đa 49% vốn điều lệ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian than toán[2]. Sự thay đổi trong cách tiếp cận này thể hiện rõ ý chí của Ngân hàng Nhà nước mong muốn đảm bảo quyền quản lý và chủ quyền của Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ trung gian thanh toán, vốn khá nhạy cảm và có nguy cơ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của quốc gia, cũng đồng thời mong muốn tạo môi trường kinh doanh bảo vệ lợi ích quốc gia và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Sau khi
tiếp thu rất nhiều ý kiến, Ngân hàng Nhà nước, trong thông báo mới nhất , đã trấn
an các nhà đầu tư công nghệ khi Dự thảo trình Chính phủ vào tháng 6 tới dự kiến
sẽ xóa bỏ hoàn toàn quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài
trong các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Hướng tiếp cận mới
mang tính “cởi trói” này dự kiến sẽ đem lại tác động tích cực đến hoạt động của
các doanh nghiệp fintech nói chung trong thời gian tới vì hiện nay lĩnh vực
trung gian thanh toán chiếm phần lớn thị phần kinh doanh của các các loại hình
doanh nghiệp này. Cụ thể, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài theo đó sẽ được tạo điều
kiện tối đa để thâm nhập vào thị trường Việt Nam, với hy vọng đón đầu làn sóng
phát triển trong lĩnh vực công nghệ, nâng tầm những doanh nghiệp fintech, cũng
như chắp cánh cho các start-up trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh hướng đến mục
tiêu tự nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và cả trên thị trường quốc tế,
chính người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi từ việc thay đổi thói quen sử dụng
các tiện ích của dịch vụ trung gian thanh toán. Ngoài ra, công tác quản lý của
Nhà nước đối với các dịch vụ trung gian thanh toán vẫn có thể được bảo đảm thực
thi thông qua các quy định cụ thể về an ninh, điều kiện hạ tầng – kỹ thuật nhằm
ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động thanh toán liên quan đến an ninh
tiền tệ mà vẫn có thể thu hút nguồn vốn đầu tư ngoại.
[1] Được Ngân hàng Nhà nước soạn thảo và công bố lần đầu tiên vào ngày 06 tháng 11 năm 2019. Chi tiết tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn/lykdtvbqppl/ctlykdtvbqppl?leftWidth=20%25&dID=407000&showFooter=false&expired=true&showHeader=false&dDocName=SBV402149&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop=36198659834650095#%40%3F_afrLoop%3D36198659834650095%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV402149%26dID%3D407000%26expired%3Dtrue%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D13c9jgqa82_51
[2] Khoản 2 Điều 29 của Dự thảo