I. NGHỊ ĐỊNH 10/2020/NĐ-CP
Khung pháp lý mới cho mô hình dịch vụ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (“Nghị định 10”) do Chính phủ ban hành ngày 17/01/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực từ ngày 01/04/2020 thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP (“Nghị định 86”).
Sau hơn năm (5) năm thực hiện Nghị định 86 cùng với những thay đổi về quy định pháp luật, Nghị định 10 được ban hành với những quy định mới đã đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn, phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định 86 cũng như tiếp thu những bài học từ Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Quyết định 24 hết hiệu lực kể từ ngày 01/04/2020) để tạo lập khuôn khổ pháp lý chính thức cho việc ứng dụng phần mềm kết nối trong kinh doanh vận tải.
Một trong những điểm mới nổi bật của Nghị định số 10 đó là đặt ra khung pháp lý đối với hoạt động cung cấp phần mềm ứng dụng kết nối vận tải, đồng thời chấm dứt những tranh cãi liên quan đến mô hình hoạt động này từ khi cho phép thí điểm đến khi Nghị định 10 được ban hành. Theo đó:
- Đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, không thực hiện một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) thì không được xem là đơn vị kinh doanh vận tải và chỉ phải đáp ứng một số điều kiện quy định tại Nghị định 10, quy định về giao dịch điện tử và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải như nêu trên thì được xem là đơn vị kinh doanh vận tải và phải đáp ứng những điều kiện về kinh doanh vận tải theo Nghị định số 10, quy định về giao dịch điện tử, và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, hiện nay, các đơn vị như Grab, Be, Goviet, v.v. và những hãng xe công nghệ khác có thể hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật. Có thể nói, Nghị định 10 đã đánh dấu một bước ngoặt, tạo ra khung pháp lý rõ ràng để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng kết nối vận tải. Qua đó, thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng, thuận lợi, hiện đại để các doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển.
II. NGHỊ ĐỊNH 25/2020/NĐ-CP
Gỡ bỏ vướng mắc thể chế trong thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu
Nghị định 25/2020/NĐ-CP (“Nghị định 25”) ngày 28/02/2020 của Chính phủ thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP (“Nghị định 30”) ngày 17/3/2015 hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư có hiệu lực từ ngày 20/4/2020.
Một điểm mới đáng chú ý của Nghị định 25 đó là sự thay đổi trong quy trình tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất. Trước đây, theo Nghị định 30, việc quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư sẽ được tiến hành sau khi danh mục dự án được công bố và dự án được đưa ra sơ tuyển rộng rãi trong nước hoặc quốc tế theo quy định (chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển thì áp dụng chỉ định nhà đầu tư, nếu từ hai nhà đầu tư trở lên thì đấu thầu rộng rãi). Nhưng hiện nay, Nghị định 25 đã sửa đổi theo hướng tinh gọn quy trình trên bằng cách lồng ghép việc công bố thông tin dự án đầu tư có sử dụng đất với quy trình đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, dẫn đến bước quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án (đấu thầu rộng rãi quốc tế, đấu thầu rộng rãi trong nước hay chỉ định thầu) sẽ được tiến hành ngay sau khi danh mục dự án được lập, phê duyệt và công bố.
Nghị định 25 khắc phục được những bất cập trong quá trình triển khai dự án đầu tư xuất phát từ sự chồng chéo giữa Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với thủ tục giao đất, cho thuê đất trong dự án đầu tư có sử dụng đất. Trước đây, đối với việc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất, Luật Đấu thầu chưa quy định rõ đấu thầu đối với loại đất nào (đã được hoặc chưa được giải phóng mặt bằng), còn Luật Đất đai thì chưa quy định rõ đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật đấu thầu rồi có phải đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai nữa hay không. Điều này dẫn đến sự lúng túng của các cơ quan có thẩm quyền địa phương trong việc áp dụng pháp luật để giao đất, cho thuê đất trong các dự án đầu tư có sử dụng đất cho các nhà đầu tư. Hiện nay, Nghị định 25 đã phân định rõ các trường hợp giao đất, cho thuê đất sẽ được thực hiện theo một trong ba hình thức bao gồm: đấu thầu dự án theo Luật Đấu thầu; đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai; và quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư. Theo đó, Nghị định 25 xác định các dự án đầu tư có sử dụng đất không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá theo pháp luật đất đai thì việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện theo hình thức đấu thầu.
Ngoài ra, Nghị định 25 còn hướng dẫn cụ thể việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất thực hiện dự án. Cùng với các quy định cụ thể trong việc xác định trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm của nhà đầu tư trúng đấu thầu, bên mời thầu và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc giải phóng mặt bằng và giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu, Nghị định 25 đã gỡ bỏ được nút thắt lớn nhất trong hành trình: đấu thầu – giao đất, cho thuê đất – triển khai dự án.
Có thể thấy sự ra đời của Nghị định 25 là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của Nhà nước trong việc tháo gỡ các vướng mắc thể chế để giải phóng tối đa những nguồn lực đang bị tắc nghẽn trong nền kinh tế. Từ đó củng cố thêm sự vững chắc của hành lang pháp lý đầu tư giúp các cơ quan có thẩm quyền địa phương có cơ sở để tiến hành thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu thực hiện dự án.
III. NGHỊ ĐỊNH 35/2020/NĐ-CP
Các doanh nghiệp phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khi giá trị giao dịch tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên
Nghị định số 35/2020/NĐ-CP (“Nghị định 35“) được Chính phủ ban hành ngày 24/3/2020, có hiệu lực từ ngày 15/5/2020, bao gồm 7 chương với 30 điều quy định chi tiết các Điều 9, 10, 13, 26, 31, 32, 33, 36, 56 và 82 của Luật Cạnh Tranh 2018.
Sau đây là một số quy định đáng chú ý của Nghị định 35:
Thứ nhất, về tiêu chí xác định thị trường liên quan, theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, “Thị trường liên quan” được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Tại Nghị định 35, Chính phủ đã cụ thể hóa các tiêu chí để xác định hàng hoá, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả như sau:
(i) Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có sự giống nhau hoặc tương tự nhau về một hoặc một số yếu tố như: Đặc điểm; thành phần; tính chất vật lý; tính năng kỹ thuật; tác dụng phụ của của hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng và một số tính chất riêng biệt khác.
(ii) Hàng hóa được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng chủ yếu giống nhau; và
(iii) Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả khi giá của hàng hóa, dịch vụ chênh lệch nhau không quá 5%.
Thứ hai, về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế, theo quy định tại Nghị định 35, các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế (ngoại trừ các tổ chức tín dụng, bảo hiểm và chứng khoán) phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (“NCC”) trước khi thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc trong một trong các trường hợp sau đây:
(i) Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
(ii) Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
(iii) Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên;
(iv) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
Luật Cạnh tranh năm 2018 được ban hành với nhiều sự thay đổi so với Luật Cạnh tranh 2004 đã khiến cho các quy định hướng dẫn cho Luật Cạnh tranh cũ không còn có thể áp dụng trong điều kiện mới. Do đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định 35 là hết sức cần thiết và sẽ tạo ra tác động rất lớn đến lĩnh vực cạnh tranh tại Việt Nam trong thời gian sắp tới. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp cần có sự cập nhật những quy định mới của Nghị định 35 trong quá trình hoạt động của mình, đặc biệt là khi tham gia vào các giao dịch tập trung kinh tế.
IV. NGHỊ ĐỊNH 37/2020/NĐ-CP
Bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư
Ngày 30/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2020/NĐ-CP (“Nghị định 37”) bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP (“Nghị định 118”) hướng dẫn Luật đầu tư có hiệu lực từ ngày 15/5/2020.
Theo đó, các hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bổ sung vào danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 118/2015, gồm:
- Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Quy định này được bổ sung nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 33 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.
V. NGHỊ ĐỊNH 38/2020/NĐ-CP
Doanh nghiệp phải thực hiện phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Nghị định số 38/2020/NĐ-CP (“Nghị định 38”) do Chính phủ ban hành ngày 03/4/2020 hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 20/5/2020 thay thế Nghị định 126/2007/NĐ-CP (“Nghị định 126”).
Theo đó, đối với điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Chính phủ bổ sung một điều kiện về việc các doanh nghiệp phải thực hiện phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nghị định 38 quy định cụ thể “bộ máy chuyên trách” này bao gồm:
(i) Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài gồm bộ phận đào tạo và bộ phận quản lý học viên;
(ii) Các phòng nghiệp vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với nhiệm vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ lao động về nước, tài chính;
(iii) Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các phòng nghiệp vụ phải đảm bảo số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ngoài ra, Nghị định 38 còn bổ sung thêm ba (3) chương riêng biệt để quy định cụ thể về (i) Điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan, (ii) Điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản và (iii) Điều kiện hoạt động đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông.
Với nhiều quy định được thay đổi, bổ sung so với Nghị định 126, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải chủ động rà soát và kịp thời điều chỉnh về tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất để đáp ứng điều kiện mới quy định tại Nghị định 38 và các thông tin về những điều kiện mới được bổ sung nêu trên phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và cập nhật khi có sự thay đổi.
VI. THÔNG TƯ 02/2020/TT-NHNN
Mọi hoạt động thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa phải thực hiện thông qua ngân hàng được phép kinh doanh ngoại hối
Thông tư số 02/2020/TT-NHNN (“Thông tư 02”) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/3/2020 hướng dẫn về hoạt động thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa có hiệu lực từ ngày 15/5/2020.
Theo đó, các thương nhân Việt Nam (trừ thương nhân Việt Nam là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan khi thanh toán và nhận thanh toán bằng ngoại tệ đối với giao dịch kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
(i) Thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai giao dịch thanh toán và chuyển tiền riêng biệt: giao dịch chuyển tiền thanh toán cho hợp đồng mua hàng hóa và giao dịch nhận tiền từ hợp đồng bán hàng hóa. Giao dịch chuyển tiền thanh toán có thể được thực hiện trước hoặc sau giao dịch nhận tiền.
(ii) Mọi hoạt động thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa phải thực hiện thông qua ngân hàng được phép kinh doanh ngoại hối.
(iii) Thương nhân chỉ được thanh toán và chuyển tiền trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu theo hợp đồng mua hàng hóa và hợp đồng bán chính hàng hóa đó tại cùng một ngân hàng.
(iv) Thương nhân được phép sử dụng ngoại tệ có sẵn trong tài khoản của thương nhân đó hoặc mua ngoại tệ tại ngân hàng để thanh toán cho hợp đồng mua hàng hóa chuyển khẩu.
Đối với các hợp đồng mua hàng hóa và hợp đồng bán hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu đã ký kết trước ngày 15/5/2020, thương nhân được tiếp tục thực hiện việc thanh toán và chuyển tiền theo các quy định tại hợp đồng mua, bán đã ký kết. Nhưng trong trường hợp hợp đồng được sửa đổi, bổ sung, gia hạn sau ngày 15/5/2002 thì việc thanh toán và chuyển tiền phải thực hiện theo quy định tại Thông tư 02 này.
VII. THÔNG TƯ 15/2020/TT-BTC
Rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải được đóng thành chai và dán tem
Thông tư số 15/2020/TT-BTC (“Thông tư 15”) do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 23/3/2020 hướng dẫn về việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 07/5/2020.
Theo đó, Thông tư 15 quy định rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải được đóng thành chai (bao gồm cả hũ, bình, lọ, can, túi, hộp, thùng). Mỗi chai được dán một (1) con tem. Tem rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại, trừ trường hợp nhập khẩu thùng, téc lớn về chiết ra chai hoặc sản xuất rượu thành phẩm thì không phải dán tem.
Các trường hợp không không phải dán tem trên bao bì sản phẩm bao gồm:
- Rượu sản xuất thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại rượu;
- Rượu bán thành phẩm nhập khẩu;
- Rượu nhập khẩu để thực hiện thủ tục cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Về nguyên tắc quản lý tem, Tổng cục Hải quan là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện in, phát hành tem rượu nhập khẩu. Còn đối với tem rượu sản xuất trong nước sẽ do Tổng cục Thuế in và phát hành. Việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem rượu được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý sử dụng ấn chỉ thuế.
Cần lưu ý, Thông tư 15 này không áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Hoạt động xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh rượu;
- Nhập khẩu rượu để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế;
- Nhập khẩu rượu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, mua bán rượu giữa các khu phi thuế quan; hoạt động kinh doanh rượu tại khu phi thuế quan, hoạt động gửi kho ngoại quan;
- Rượu nhập khẩu là hành lý, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng, hàng mẫu trong, định mức được miễn thuế; xét miễn thuế, không chịu thuế.